Hy Lạp không chỉ là vùng đất của các vị thần, nổi tiếng với những bờ biển dài cát trắng, những hòn đảo lãng mạn nơi có hàng loạt ngôi nhà trắng mái xanh đẹp như tranh vẽ. Cùng với La Mã, quốc gia này là nơi bắt nguồn của lễ hội Carnival, ngày nay đã du nhập vào nhiều nước chân Âu cũng như lan rộng khắp thế giới. Tại Hy Lạp, Carnival thường diễn ra vào tháng Hai hàng năm, thu hút hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài nước.
ACROPOLIS – NƠI KIẾN TRÚC LỊCH SỬ ĐƯỢC LƯU GIỮ
Hy Lạp mùa này khá lạnh, nhiệt độ trung bình ban ngày chỉ ở mức 15°C. Từ sân bay vào tới trung tâm Athens khá xa, nhưng có tuyến tàu điện ngầm và xe buýt rất tiện lợi. Trên đường về khách sạn, tôi hơi lo lắng vì tên đường phố (trên một số con đường nhỏ) toàn ghi bằng ngôn ngữ địa phương, không hề có phiên âm tiếng Latin. Nỗi lo ấy chỉ tan biến khi xe tiến gần vào trung tâm.
Khách sạn Acropolis House tôi thuê có giá phải chăng, nằm ngay trung tâm Athens với nhiều nhà hàng, bảo tàng xung quanh, đặc biệt rất gần các ga metro và xe buýt. Quảng trường Syntagma chỉ cách đó chừng nửa cây số.
Vì trời đã xế chiều nên tôi quyết định đi tham quan những địa điểm gần nơi mình ở trước. Nhờ sự hỗ trợ của Google Map, tôi tìm đến quảng trường Syntagma không chút khó khăn. Đây là một trong những địa điểm nổi tiếng của thủ đô Hy Lạp.
Ngoài đài phun nước, trò chơi dưới nước được chiếu sáng và vô số cửa hàng bán đồ lưu niệm hoặc phục vụ ăn uống, Syntagma còn có tòa nhà Quốc hội được xây dựng từ thế kỷ XIX, với từng tốp lính gác bảo vệ trong bộ đồng phục của Hy Lạp xưa. Chẳng cần tới cung điện Buckingham, bạn sẽ tận mắt thấy các phiên gác thay ca độc đáo ngay giữa Athens, cứ một tiếng một lần.
Hôm sau, tôi dành cả buổi sáng để chinh phục địa danh đứng đầu trong danh sách phải ghé khi đến Hy Lạp, đó là đồi Acropolis. Phải rồi, đến vùng đất của các vị thần thì làm sao bỏ lỡ Acropolis (dịch từ tiếng Hy Lạp là “thành phố cao”) được! Đây là di tích kiến trúc nổi tiếng nhất đất nước này và là điểm chính thu hút khách du lịch của Athens.
Nằm trên vách đá vôi cao 156m (dốc về phía Bắc, phía Đông và phía Nam), Acropolis ban đầu được xây làm lâu đài cho các vua Athens và là điện thờ. Sau đó, nó chỉ nhằm phục vụ cho mục đích thờ phụng Athena – vị thần bảo hộ của thành phố. Kể từ năm 1987, nơi đây chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Do Acropolis nằm trên cao nên du khách phải đi bộ lên đồi dốc. Thời tiết se lạnh của tháng Hai thật phù hợp cho hành trình này. Cả quần thể đã bị phá hủy khá nhiều. Thậm chí, một số nơi chỉ còn lại tàn tích, thật khó nhận ra chúng từng là cái gì. Thế nhưng, khi bước qua cổng Propylaea to lớn và choáng ngợp trước những cột trụ khổng lồ cao gấp cả chục lần một người trưởng thành, tôi có cảm giác mình lạc vào một thế giới khác.
Đi ngang các phiến đá, di tích còn sót lại của các đền thờ, cô bạn đồng hành người Brazil của tôi thốt lên nửa đùa nửa thật: “I paid that much money just for seeing… some stones?” (Tôi trả nhiều tiền như vậy chỉ để xem mấy tảng đá thôi ư?). Song cô ấy lập tức thay đổi ý nghĩ khi tiến gần đến ngôi đền Parthenon sừng sững ngay giữa đồi. Đó là ngôi đền chính của Acropolis, dành để thờ nữ thần Athena. Nó được nhiều kiến trúc sư đánh giá là một trong những công trình hoành tráng và tốt nhất mọi thời đại. Parthenon vừa là hiện thân cho nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao của Hy Lạp cổ đại, vừa minh chứng cho sự sáng tạo và siêu việt của các nhà toán học, kiến trúc sư cũng như kỹ sư xây dựng thời đó.
Sở hữu lối kiến trúc cổ đại, Parthenon mang vẻ hào nhoáng không từ ngữ nào diễn tả nổi. Chúng tôi đứng từ xa chiêm ngưỡng và dùng trí tưởng tượng để cảm thụ vẻ tráng lệ của nó.
Không cân xứng, hài hòa như hầu hết các đền tiêu biểu của Hy Lạp thời bấy giờ, đền Erechtheion, cách đó không xa, mang vẻ đẹp đặc trưng khác. Một phần mái hiên của đền được chống bằng các cột trụ, tạc tượng những cô gái đến từ xứ Karyai. Từ đây, du khách có thể phóng tầm nhìn xuống toàn thành phố, trông thấy cả ngọn núi Lycabettus ở phía đối diện.
Chúng tôi rời Acropolis nhưng dấu ấn cổ đại vẫn còn vương vấn đâu đây. Khu vực xung quanh đồi có rất nhiều di tích cổ xưa. Nhờ đó, du khách hình dung được cuộc sống văn minh, sung túc của vùng đất này từ mấy nghìn năm về trước. Tôi ấn tượng nhất với Theatre of Dionysus, nhà hát cổ ngoài trời, quan trọng nhất trong thế giới Hy Lạp cổ đại. Mang nét đẹp lộng lẫy, nó trở thành hình mẫu mô phỏng của nhiều nhà hát thời xưa cũng như ngày nay, là nơi ra đời và biểu diễn của nhiều tác phẩm kịch nổi tiếng thế giới. Những gì du khách còn thấy được ở thời điểm hiện tại chỉ là các hàng ghế ngồi bằng đá cẩm thạch xếp theo hình bán nguyệt có niên đại cả mấy nghìn năm.
THU GỌN THÀNH PHỐ HY LẠP CỔ TRONG TẦM MẮT
Sau cả buổi leo đồi, cuốc bộ để xem các di tích, chúng tôi đi dọc xuống khu chợ dưới chân đồi. Đây là nơi tụ tập của rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, các nhà hàng sang trọng và cả quầy bán thức ăn lề đường. Tôi sà vào một chiếc xe bán Souvlaki. Nếu đến Đức, bạn dễ dàng tìm thấy xúc xích nướng ở khắp mọi nơi thì tại Hy Lạp, Souvlaki cũng được bán ở mọi ngõ ngách. Đây là món ăn nhanh với thịt xiên nướng thơm lừng, kẹp với salad và nước sốt Tzatziki trong một cái bánh mỳ dẹt (bánh Pita). Souvlaki có màu sắc hấp dẫn, mùi vị rất ngon và đặc biệt là nhờ nước sốt làm từ sữa chua. Ai cũng tấm tắc khen và chúng tôi ăn hoài không ngán.
Xế chiều, tôi lang thang ra khu di tích Agora Hy Lạp cổ (Ancient Agora) và theo kiểu La Mã (Roman Agora) gần đó. Ancient Agora được sử dụng trong suốt gần 1.000 năm để làm phiên chợ ngoài trời của Hy Lạp cổ. Tại đây, các lái buôn, nhà buôn bán dựng sạp giữa những hàng cột để bán hàng. Đây cũng là nơi hội họp, trung tâm kinh tế, chính trị và xã hội của Hy Lạp cổ đại. Sau này khi Roman Agora được xây dựng đã dần chiếm mất tầm quan trọng và thay thế vai trò của Ancient Agora.
Điểm độc đáo và thu hút nhiều kiến trúc sư ở Roman Agora chính là tháp đồng hồ cổ (Tower of the Winds). Không chỉ là đồng hồ, nó từng được dùng như la bàn hoặc nhà thờ. Tuy tất cả đã bị phá hủy khá nhiều nhưng đứng dưới tháp đồng hồ nguy nga sừng sững, chúng tôi mường tượng ra ngay hình ảnh thành phố Hy Lạp xưa kia: mỗi sáng sớm, người dân đổ xô về đây trao đổi, buôn bán, tạo nên khung cảnh tấp nập ồn ào.
Bữa tối của chúng tôi là món Moussakar truyền thống. Nó trông rất giống Lasagna của Ý, chỉ thiếu Lasagna. Moussaka gồm ba lớp luân phiên nhau: thịt cừu băm, cà tím thái lát và nước sốt Bechamel. Đến Hy Lạp, không ai có thể bỏ qua món này. Hương vị lạ lạ, béo ngậy và thơm ngon của nó khiến du khách nhớ mãi không quên.
Buổi tối, chúng tôi về khách sạn sớm và chuẩn bị lên lịch cho hôm sau đi Patras.
NHỘN NHỊP THÀNH PHỐ CẢNG PATRAS
Đây là thành phố cảng lớn thứ ba của Hy Lạp và chỉ cách Athens hơn 200km, rất nổi tiếng bởi “Patras Carnival“, lễ hội hóa trang lớn và hoành tráng nhất nước này. Đó cũng là lý do tôi rời Athens sớm đến vậy, bởi đã ghé Hy Lạp thì không thể bỏ lỡ cơ hội tham dự lễ diễu hành Carnival Parade. Từ Athens đến Patras chỉ mất ba giờ nếu đi xe buýt, vô cùng nhanh và tiện lợi.
So với Athens, khách sạn ở đây khá rẻ và đường phố có vẻ yên bình hơn. Tuy nhiên, vì đi vào mùa này nên hầu hết phòng trọ và khách sạn đều kín, may là chúng tôi đã đặt
chỗ từ sớm. Mùa lễ hội Carnival (tiếng Hy Lạp: Apokries) ở đây kéo dài 3 tuần trước mùa Chay (kiêng thịt) cho lễ Phục Sinh. Riêng ở Patras, nó bắt đầu từ trước, thường là 17–1 hàng năm. Trong khoảng thời gian gần hai tháng này, cả thành phố như khoác lên mình bộ mặt mới với những hình nộm trang trí lạ mắt khắp các góc phố. Cây cối được giăng đèn lấp lánh, các loa phát thanh được lắp mới trên mọi ngả đường. Cả thành phố dường như không ngủ một giây phút nào. Khắp phố phường đông nghẹt người qua lại, chen lấn, cả dân địa phương lẫn khách du lịch. Trong ba ngày cuối cùng của mùa Carnival diễn ra các buổi diễu hành và ca múa nhạc cùng màn bắn pháo hoa đặc sắc. Có không dưới 50.000 người đổ về đây để trực tiếp tham gia.
Cuộc diễu hành Carnival đậm vẻ truyền thống nhưng không kém phần náo nhiệt và nhộn nhịp. Có âm nhạc, có màn trình diễn nhảy múa của các vũ công với khuôn mặt được hóa trang rực rỡ. Vài trăm nhóm tham gia, mỗi nhóm mặc những bộ trang phục và đeo mặt nạ khác nhau, nhảy múa nhiệt tình trên nền ca khúc Hy Lạp, Tây Ban Nha và Mỹ Latin nổi tiếng. Ngoài ra còn có hàng loạt xe hóa trang, được trang hoàng bằng nhiều hình thù lạ mắt. Chúng tôi mua mỗi người một cái khăn choàng lông chim ở cửa hàng hóa trang bên đường rồi hòa vào đám đông đang chen chúc. Chắc vì những chiếc khăn quá nổi bật nên một số thanh niên trong nhóm nhảy múa kéo chúng tôi vào đoàn diễu hành. Lúc đầu, tôi hơi ngại nhưng sau quen dần. Tôi thật sự thích thú vì không phải đứng chen lấn, xô đẩy mà còn có chỗ rộng để nhảy múa. Nhóm chúng tôi hòa theo họ suốt cả đoạn đường dài. Sau đó, mọi người ăn uống và nhảy múa suốt đêm. Đêm cuối của lễ hội kết thúc với màn bắn pháo hoa ngoài bến cảng gần đó.
Rời Patras, tôi tiếp tục hành trình khám phá Hy Lạp và bắt xe buýt đi Delphi.
ĐIỂM ĐẾN CỦA NHỮNG NGƯỜI MÊ KHẢO CỔ
Delphi là địa điểm khảo cổ nổi tiếng của Hy Lạp và là nơi thờ thần Ánh sáng Apollo từ mấy nghìn năm về trước. Vùng đất này còn được mệnh danh là “cái rốn của vũ trụ” bởi từng là trung tâm tôn giáo của Hy Lạp thời cổ đại, nơi nữ tiên tri Pythia thốt lên những lời sấm truyền bí ẩn từ thần Apollo. Từ năm 1987, khu di tích khảo cổ Delphi được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Muốn đến thăm đền thờ, du khách phải leo lên núi cao. Đường dẫn lên khá cao, tuy dễ đi nhưng dài. Dọc hai bên con đường quanh co, uốn khúc có những ngôi đền nhỏ mà khi xưa, dân chúng các nơi đổ về đặt đồ tế lễ lên đó. Chúng tôi vừa đi vừa dừng lại chụp ảnh nên cũng đỡ mệt phần nào. Bất giác, tôi chợt tưởng tượng khi xưa, lúc chưa có những bậc thang rải nhựa như thế này, việc viếng thăm đền thật khổ cực và nguy hiểm!
Cuối cùng chúng tôi cũng lên đến nơi, quả không bõ công leo núi. Tàn tích còn sót lại của ngôi đền chỉ còn vài cái cột cao vút, những phiến đá to lớn giữa đám cỏ và hoa dại mọc xung quanh. Thế nhưng, ngôi đền vẫn hiện lên trên nền trời xanh trong vắt và khung cảnh phía sau với núi non trập trùng cùng những ngọn thông cao vút, tạo nên bức tranh hài hòa tuyệt đẹp.
Đi tiếp lên phía trên đền còn có một nhà hát kiểu Hy Lạp cổ, được bảo tồn khá nguyên vẹn. Trên cùng là sân vận động rộng lớn. Khu quần thể di tích bạt ngàn này cho thấy giá trị to lớn và tầm quan trọng của thế giới tâm linh đối với người Hy Lạp cổ đại. Phía dưới đền, bên kia hẻm núi Castalian là thánh đường Athena Pronaia, trong đó có đền thờ nữ thần Athena và tòa nhà tròn cẩm thạch Tholos, nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo.
Tham quan hết khu di tích, chúng tôi vẫn chưa muốn ra về. Tôi dành chút thời gian ít ỏi còn lại để thưởng thức phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ không phải nơi nào cũng có được. Quả thật, chỉ trong vỏn vẹn vài ngày, Hy Lạp đã thực sự níu giữ bước chân tôi. Chắc chắn vùng đất này còn lắm điều lạ kỳ chưa được khám phá. Hẹn một ngày không xa, tôi sẽ trở lại, để nhật ký về hành trình khám phá Hy Lạp ngày càng dày thêm.
BẠN CẦN BIẾT
– Từ Athens đến Patras, bạn đi xe buýt hoặc tàu hỏa, đều mất khoảng 3 giờ
– Giá vé xe buýt: từ 10,40 – 20,70 euro
– Giá vé tàu hỏa: từ 8,30 – 17 euro
– Từ Patras đến Delphi, bạn có thể đi xe buýt, nhưng không có tuyến đi thẳng mà phải chuyển trạm ở Amfissa. Tổng cộng mất khoảng 2,5 giờ, giá vé từ 12–16 euro
– Nếu bạn có ý định tới Patras vào dịp Carnival thì nên đặt khách sạn trước càng sớm càng tốt, giá cả phải chăng và bạn khỏi lo hết phòng khi đến đây.
Her World Vietnam