FOMO – Hội chứng tâm lý thời hiện đại

Cách đây hàng trăm năm, các nhà tâm lý học đã đưa ra một hội chứng tâm lý gọi là hội chứng sợ bị lãng quên, gọi tắt là hội chứng FOMO, lấy từ cụm từ “fear of missing out”. Thế nhưng chỉ cho đến thời nay, hội chứng này mới bùng phát khá rõ

Tất cả mọi người đều đang có mặt trong đêm chung kết của một cuộc thi truyền hình thực tế, còn mình thì không tìm ra vé để tham dự. Hội bạn hay đi chơi của mình đang check-in ở một nhà hàng, họ đi ăn mà không rủ mình. Cô bạn đồng nghiệp đang có những ngày rong đuổi khắp châu Âu, đến toàn chỗ đẹp, còn mình lại không được đến đó…”.

Tất cả những cảm giác trên đều bình thường với bất cứ ai nếu chúng không xảy ra thường xuyên. Một khi cảm giác này liên tục xuất hiện khiến bạn thấy khó chịu, tức tối và tìm mọi cách để không bỏ lỡ những sự kiện đang diễn ra, có thể bạn đang có dấu hiệu của hội chứng fomo.

 

Những cuộc săn lùng vé bất tận

Băng Châu, 28 tuổi, hiện đang làm giám đốc sản xuất cho một công ty chuyên tổ chức những chương trình truyền hình kể: “Cứ mỗi dịp có một sự kiện lớn được tổ chức, tôi gần như phải tắt điện thoại vì có quá nhiều người gọi để xin vé. Người quen biết đã đành, nhiều người tôi không biết là ai cũng gọi xin vé cốt chỉ để được có mặt trực tiếp trong sự kiện đó. Tôi biết nhiều trong số đó chẳng bao giờ để ý theo dõi toàn bộ chương trình mà chỉ muốn xuất hiện để mọi người thấy họ đủ “máu mặt” để góp mặt trong một buổi tối quan trọng”.

fomo3

Những người làm việc trong giới truyền thông có nhận thức tốt về mặt xã hội tại Việt Nam có lẽ đều hiểu họ đang làm việc trong một ngành mà sự “sân si” được xếp ở mức cao nhất. Bất kỳ sự kiện nào từ đêm chung kết của một cuộc thi truyền hình thực tế, trình diễn thời trang, lễ trao giải, ra mắt phim… họ đều tìm mọi cách để có mặt. Vậy nên mới có nhiều cuộc săn lùng vé cười ra nước mắt, thậm chí có người xin chỉ có mặt 15 phút rồi về.

Giới phóng viên giải trí thường chia sẻ thông tin khi có họp báo. Tuy nhiên, không phải cuộc họp báo nào cũng mời hết số lượng phóng viên của các báo giấy lẫn báo mạng mà chỉ mời một số lượng nhất định. Vậy mới có chuyện trước khi cuộc họp báo chính thức diễn ra, ban tổ chức mỗi ngày nhận hàng chục cuộc gọi của các phóng viên không được mời để xin một chân xuất hiện. Việc đưa tin có lẽ là nhiệm vụ phụ bởi việc chính của họ là xuất hiện như một phóng viên và cho những người còn lại biết là họ được mời. Dĩ nhiên là không quên chụp ảnh với người nổi tiếng để đưa lên Facebook. Như một thói quen, họ phải tìm cách có mặt tại các sự kiện để đảm bảo danh tiếng ảo của mình và thỏa mãn cơn thèm khát không bị bỏ lỡ điều gì.

 

Mạng xã hội, nơi khiến bệnh trầm kha hơn

Nói điều này bởi vì mạng xã hội tạo điều kiện để người này dễ ganh tị với người kia vì họ có cơ hội được góp mặt ở một sự kiện quan trọng, hiện diện ở một nơi nào đó, khoe một món đồ. Theo một thống kê, có tới 56% người dùng mạng xã hội có cảm giác lo sợ sẽ bỏ lỡ điều gì đó như một sự kiện quan trọng, tin tức hoặc một dòng trạng thái từ bạn bè, những người họ đang theo dõi… nếu không liên tục có mặt trên mạng xã hội.

Trên thực tế, hội chứng fomo đã được các nhà tâm lý học ghi nhận từ nhiều thế kỷ trước nhưng chưa bao giờ tỷ lệ và cường độ của hội chứng này lại tăng với tốc độ chóng mặt như bây giờ. Hãy tưởng tượng một nông dân sống ở thế kỷ XIV có thể tò mò về cuộc sống của quý tộc trong các tòa lâu đài nhưng chẳng có cơ hội để so sánh. Còn bây giờ, với thông tin của báo mạng, mạng xã hội, nói chuyện nhanh chóng với bạn bè qua các ứng dụng nhắn tin miễn phí, bạn có thể so sánh cuộc sống của mình với hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới.

Chưa kể, khi đăng một bức ảnh hoặc một status lên Facebook, họ cũng nơm nớp lo sợ bức ảnh sẽ không có nhiều người like hay bình luận. Những suy nghĩ tiêu cực sẽ bắt đầu xuất hiện như: “Phải chăng thứ mình đưa lên không hấp dẫn mọi người?, Bạn bè trên mạng xã hội đã quên mình rồi sao?” hoặc tệ hơn nữa là “Mọi người chết đâu hết rồi mà không bấm like cho tôi?”.

fomo-2

Có tới 56% người dùng mạng xã hội có cảm giác lo sợ sẽ bỏ lỡ một sự kiện quan trọng, tin tức hoặc một dòng trạng thái nếu không theo dõi mạng xã hội

Nỗi ám ảnh vô hình

Với sự trợ giúp của mạng xã hội, chưa bao giờ fomo lại trở thành mốt như bây giờ. Từ điển Urban cũng nhanh chóng đưa cụm từ này vào hệ thống. Điều kỳ lạ là fomo được chấp nhận ở những người trẻ như là một mốt mà ai cũng nên có, thậm chí nếu có ai đó không fomo, họ nghiễm nhiên trở thành người lạc hậu. Đằng sau việc thúc đẩy mạng xã hội phát triển thì fomo chỉ khiến cho con người cạnh tranh khốc liệt các vị trí trong xã hội hơn.

Bản thân người mắc chứng fomo luôn có cảm giác lo lắng và tự ti. Khi một người bỏ lỡ buổi tiệc, kỳ nghỉ hoặc một sự kiện xã hội, họ sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi. Trong một số trường hợp, người ta thậm chí còn sợ bỏ lỡ những thứ không lành mạnh. Mới đây, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mức độ “sợ bỏ lỡ” của con người thông qua các bảng khảo sát. Họ đưa ra những câu hỏi kiểm tra mức độ của một người quan tâm đến các sự kiện xã hội, cách người đó lo lắng và cảm giác khi bạn bè đi chơi mà không rủ họ.

Kết quả cho thấy, fomo phổ biến nhất ở người tuổi từ 18 đến 33. Hai phần ba số người trong nhóm tuổi này cho biết họ cảm thấy nỗi sợ hãi bị bỏ lỡ. Nghiên cứu này cũng cho biết, fomo có thể gây tiêu cực đến sức khỏe tâm lý. Cảm giác sợ hãi liên tục việc bỏ lỡ các sự kiện có thể dẫn đến lo lắng và trầm cảm. Các nhà tâm lý học cho rằng, những lo ngại về việc bỏ lỡ có thể là một loại biến dạng nhận thức, gây ra những suy nghĩ tiêu cực. Chẳng hạn như có người tin rằng ai đó ghét họ vì họ không được mời đến bữa tiệc. Điều này dễ dẫn đến bệnh trầm cảm.

fomo4

Đương đầu với FOMO

Không dễ dàng gì để từ bỏ điện thoại thông minh và thói quen lên mạng đọc tin tức, lướt qua Facebook của bạn bè liên tục. Thế nhưng, trước khi để tình huống này đi quá xa, bạn phải tìm cách kiểm soát nó. Bắt đầu từ việc trả lời các câu hỏi sau:

1. Đây có phải là điều tôi mong ước thực hiện?
Một trong những điều thú vị về hội chứng fomo là nó giúp bạn nhận ra việc bạn lo lắng bị bỏ lỡ kia có xuất phát từ mong muốn của bản thân hay chỉ là cảm giác fomo. Chẳng hạn, bạn muốn có một tối thứ Bảy nhẹ nhàng với bữa tối của mẹ. Sau đó, lên phòng, đọc cuốn sách yêu thích. Cuối cùng là xem một bộ phim hài trước khi đi ngủ. Thế nhưng, khi cầm điện thoại lên, như một thói quen, bạn mở Facebook và thấy vài người bạn vừa đăng lên vài tấm ảnh họ đang ở trong một bữa tiệc có rất nhiều người nổi tiếng. Bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng. Dù ngay lúc đó những người bạn kia nhắn tin kêu bạn tới bữa tiệc ngay, bạn sẽ không đi nhưng vẫn cảm thấy bị bỏ rơi. Lý do là gì thì bạn không thể giải thích được.

Vậy nên cảm giác fomo không phát sinh từ mong muốn của bản thân mà là do sự đố kỵ của bạn với người khác. Câu hỏi này là lời nhắc nhở cho thấy, người khác đã làm được điều gì đó, còn bạn thì chưa. Tuy nhiên, thứ bạn chưa làm được không hoàn toàn giống với người bạn đang ghen tị. Ví dụ: người bạn thời phổ thông đăng hình ảnh cuộc sống của cô ấy ở Úc, bạn xem ảnh và thấy bồn chồn rồi suy nghĩ: “Cô ấy thì được học hành rồi làm việc ở bên Úc, còn mình thì chỉ quanh quẩn trong thành phố này, cắm mặt vào máy tính”. Tuy nhiên, nếu được lựa chọn giữa việc đến Úc sống hay ở lại thành phố đang sống thì bạn vẫn sẽ chọn sống ở thành phố, nơi bạn có rất nhiều bạn bè, người thân. Như vậy tấm ảnh kia chỉ giúp bạn xác định lại điều mình muốn.

fomo-3

Fomo cũng là công cụ để bạn xác định lại bản thân đang mong muốn điều gì thay vì chạy theo đám đông ngoài kia

 

2. Đã đến lúc bản thân mình cần phải thay đổi
Nếu câu trả lời cho trường hợp trên là bạn muốn đến Úc như cô bạn kia thì có lẽ trong sâu thẳm từ trái tim, bạn biết mình không hài lòng với cuộc sống hiện tại. Bạn nhìn thấy hình ảnh bạn của mình hạnh phúc với các con và bạn thấy buồn cho mình vì bạn muốn mình cũng được làm mẹ. Nếu đó không phải là sự ghen tỵ thì đã đến lúc bạn bước qua giai đoạn mới của cuộc sống. Fomo không có nghĩa là bạn muốn làm chính xác những điều mà người khác làm. Chẳng hạn, bạn thấy bạn bè đi du lịch ở châu Âu thì không có nghĩa phải tìm cách đến châu Âu mà chỉ là bạn đang thực sự muốn đi đâu đó ra khỏi thành phố. Điều quan trọng là bạn phải biết cách phân biệt đâu là cảm giác fomo và đâu là cảm giác bạn muốn thay đổi bản thân. Thay vì ngồi đó và lo lắng, bạn hãy dành thời gian để lựa chọn. Theo thời gian, bạn sẽ miễn dịch với fomo.

Những người đang làm việc trong ngành tâm lý học thường đưa ra một lời khuyên cho thân chủ, những người đang đối mặt với hội chứng fomo rằng hãy jomo, viết tắt từ cụm từ “Joy of missing out”. Có nghĩa là thay vì sợ bị bỏ lỡ, bạn hãy hưởng thụ niềm vui bỏ lỡ nó. Hãy thôi lo lắng, phân vân việc không thể có mặt ở cùng lúc nhiều sự kiện đang diễn ra. Bạn hãy thử đặt chúng ngang hàng với những nhiệm vụ của riêng mình như về ăn tối với gia đình, đọc nốt cuốn sách yêu thích… Việc sắp xếp những sự kiện đang diễn ra ngang hàng với những sinh hoạt mình yêu thích sẽ giúp bạn nhận thức được tầm quan trọng của bản thân. Khi sự kiện đã qua đi, bạn có thể cảm thấy tự hào về bản thân vì dám bỏ lỡ một sự kiện mà bạn được mời.

3. Những thứ bạn đang thấy có phải là thực tế không?
Chắc hẳn bạn biết rằng những chương trình truyền hình thực tế hấp dẫn, những thông tin về cuộc sống xa hoa của giới nghệ sĩ được đăng tải trên mạng không phải là đại diện cho cuộc sống của tất cả mọi người. Những người đang có mặt trong một sự kiện quan trọng chưa chắc đã có được một vé mời chính thức, thậm chí họ chỉ được đứng để xem chương trình. Dĩ nhiên, họ chẳng đời nào cho bạn biết sự vất vả, khó khăn để có được tấm vé đó. Thay vì quan tâm đến những thứ ảo và giả tạo, bạn hãy quay lại thực tế cuộc sống của bản thân. Cuộc sống thực tế là tháng này của bạn có tốt không, lương thế nào, sức khỏe của bố mẹ bạn đang có dấu hiệu đi xuống, công ty đang cắt giảm nhân sự và bạn có thể phải đi tìm việc mới…

4. Có phải bạn là người sử dụng công nghệ khôn ngoan
Một nghiên cứu xã hội đã cho thấy, việc sử dụng Facebook hay mạng xã hội nói chung có thể làm giảm cảm giác hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống. Từ đây, bạn có thể nhận ra mối tương quan rằng những người không sử dụng Facebook hoặc ít sử dụng Facebook sẽ cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, thay vì đổ lỗi cho mạng xã hội, bạn cần nhìn nhận rằng Facebook hay những thứ khác đều chỉ là công cụ, còn việc chúng có làm bạn hạnh phúc hay buồn rầu hơn đều phụ thuộc vào cách bạn sử dụng chúng như thế nào.

 

fomo-4

Mạng xã hội cũng chỉ là công cụ, việc chúng làm bạn hạnh phúc hay buồn rầu hơn đều phụ thuộc vào cách bạn sử dụng như thế nào

Nếu cảm thấy Facebook chỉ khiến bạn có cảm giác khó chịu hoặc những thứ trên Facebook đều vô nghĩa thì hãy tìm mọi cách thoát khỏi nó hoàn toàn. Một người bạn của tôi đã quyết định đóng cửa Facebook từ đầu năm nay và cô cho biết bản thân cảm thấy chẳng có gì khác biệt so với trước. Cô cũng không bỏ lỡ điều gì từ cuộc sống. Tuy nhiên, đó là trường hợp hiếm hoi vì rất nhiều người đang làm việc thông qua mạng xã hội. Từ mạng xã hội, rất nhiều ý tưởng kinh doanh, sáng tạo… đã ra đời. Chúng ta cũng không thể phủ nhận tốc độ chia sẻ thông tin rất nhanh của Facebook. Nó cũng là công cụ để bạn tìm ra được những người bạn cũ, giữ mối liên lạc và cả những sự kiện offline. Mọi thứ đều có hai mặt và mạng xã hội cũng vậy, quan trọng nhất là bạn phải sử dụng nó sao cho tốt mà thôi.

Cách đây vài tháng, Facebook cá nhân của ca sỹ Hà Okio đưa ra thông báo anh sẽ chỉ lên Facebook mỗi ngày một lần vào lúc khoảng 15h mỗi ngày, mỗi lần chỉ lên 15 phút. Theo Hà Okio, khoảng thời gian đó là đủ để anh có thể cập nhật thông tin của bạn bè. Đây là một cách rất hay để bạn không bị phụ thuộc vào mạng xã hội. Bạn nên biết Facebook chỉ hiển thị khoảng 15% số bạn bè có trong danh sách bạn bè và mỗi người có thể lọc ra những ngườibạn quan tâm, hạn chế những người bạn không thích. Chức năng này có ưu điểm, những người bạn quan tâm nhất sẽ luôn xuất hiện hàng đầu trong News Feed của bạn. Nó giúp hạn chế những cập nhật từ những người bạn không muốn quan tâm hoặc khiến bạn thấy khó chịu. Khi những người này đưa lên Facebook của họ một thông tin tích cực, bạn sẽ ít hoặc không có cảm giác fomo vì biết những gì đang diễn ra trong cuộc sống của họ không tác động gì đến mình.

Hãy thẳng tay loại bỏ những người bạn không biết đến hoặc những người chỉ suốt ngày khoe khoang nhưng rỗng tuếch ra khỏi danh sách bạn bè trên mạng xã hội. Kể cả họ không làm bạn có cảm giác bị fomo nhưng khiến bạn có suy nghĩ “họ chẳng ra gì nhưng tại sao vẫn có được cái này cái kia”, hoàn toàn không xứng đáng. Nếu bạn biết sử dụng mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng khôn ngoan, cảm giác fomo sẽ giảm đi rất nhiều. Còn nếu bắt đầu cảm thấy sợ hãi, lo lắng, hãy quay lại những câu hỏi trên để đè bẹp cảm giác đó xuống.

Bài: LAN ANH NGUYỄN

Đừng bỏ qua