“Chị ơi, bên công ty bảo hiểm của em vừa mới ra một sản phẩm mới. Em có thể xin chị vài phút để giới thiệu về sản phẩm này được không?”, tiếng cô nhân viên bán bảo hiểm nhã nhặn mời chào khiến tôi thấy nếu trả lời “Không” thì quá bất nhã. Nhưng nếu đồng ý lắng nghe thì vài phút chẳng bao giờ đủ để cô ấy quảng cáo cho một sản phẩm bảo hiểm cả.
Đó là tất cả những gì tôi ấn tượng với bảo hiểm, với những nhân viên nói rất nhiều, đôi khi đến mức khó chịu. Chỉ cần số điện thoại của bạn lỡ rơi vào tay mấy cô ấy, xem như bạn không thể yên thân với lời giới thiệu bằng những thuật ngữ khó hiểu của ngành bảo hiểm. Cuối cùng, họ sẽ kết luận bạn là người may mắn nhất, hạnh phúc nhất, tương lai của bạn và gia đình sẽ luôn được đảm bảo khi chẳng may bạn gặp khó khăn, rủi ro.
Tôi tự xếp mình trong số 95% người Việt Nam không mua bảo hiểm nhân thọ, một phần vì không đủ điều kiện. Tôi cho rằng bảo hiểm nhân thọ là một thứ không nên đặt niềm tin. Tôi là người Á Đông, sẵn tính cẩn trọng về tiền bạc nên không tin vào những thứ khó hiểu và những người nói nhiều.
Món quà sinh nhật không mong đợi
Vậy mà chồng tôi lại đặt trước mặt tôi món quà sinh nhật là cuốn sổ bảo hiểm nhân thọ mang tên tôi. Thú thật, nếu không phải ngày sinh nhật, tôi đã làm ầm lên. Nhưng tôi nhịn được và chỉ nhắc anh ấy lần sau làm gì cũng nên bàn bạc trước. Thế rồi tôi cũng quên hợp đồng bảo hiểm kia, giao toàn quyền cho ông xã quản lý.
Hơn hai năm sau, tôi lại đón sinh nhật, nhưng trên một chiếc xe lăn. Một vụ tai nạn buộc tôi phải nằm viện và phẫu thuật cột sống. Công việc làm ăn của chồng tôi cũng không suôn sẻ. Điều đó có nghĩa là nếu cứ theo đà này thì vài tháng nữa, vợ chồng tôi sẽ lâm vào tình cảnh chồng mất việc, vợ nằm viện.
Trong đầu tôi loay hoay bao suy nghĩ, lấy đâu ra tiền để cho hai con tiếp tục học trường quốc tế, để trang trải chi phí nằm viện của tôi, rồi tiền đâu để gửi về cho bố mẹ già yếu ở quê?
Một buổi sáng, chồng tôi đột ngột đề nghị: “Mình bán nhà đi em, mua căn khác nhỏ hơn”.
Tôi choáng váng đầu óc, những lời phân tích của anh cứ lùng bùng trong đầu. “Đợi vài ngày nữa được không anh, em muốn suy nghĩ thêm”, tôi cố kéo dài thời gian dù biết điều đó chẳng giải quyết được gì.
Tiếng chuông điện thoại reo vang đánh thức tôi dậy: “Chị ơi, em là nhân viên của công ty bảo hiểm…”. Định trả lời “không” như thói quen nhưng chưa kịp thốt ra, tôi đã kịp định thần: Đúng rồi! Bảo hiểm, bảo hiểm. Thế mà tôi không nghĩ ra. Ngay lập tức, chồng tôi đến bệnh viện với hợp đồng bảo hiểm của tôi. Tôi nghĩ: Mình đã sống.
Trút gánh nặng và thay đổi cách suy nghĩ
Số tiền bảo hiểm giúp tôi thanh toán toàn bộ nợ nần, giữ căn nhà và hồi phục sức khỏe. Tôi biết khái niệm đơn giản nhất của bảo hiểm nhân thọ là đóng một số tiền nhất định theo tháng, quý hoặc năm. Theo đó, nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra với người được bảo vệ trong hợp đồng, công ty bảo hiểm sẽ phải trả một số tiền bằng giá trị bảo vệ trong hợp đồng. Giá trị này cao hơn số phí đóng rất nhiều lần. Ngược lại, người mua bảo hiểm đồng ý đóng một khoản tiền quy định được gọi là phí bảo hiểm theo định kỳ, hoặc đóng phí linh hoạt, hoặc đóng phí một lần, tùy thỏa thuận giữa hai bên.
Tôi không thể phủ nhận những lợi ích mà bảo hiểm nhân thọ mang lại. Khi chồng tôi mua bảo hiểm cho tôi, anh ấy muốn có sự đảm bảo cuộc sống cho chính gia đình tôi, những người mà anh thương yêu nhất. Bởi lẽ, nếu rủi ro xảy đến với tôi như tai nạn hoặc bệnh tật, bảo hiểm nhân thọ sẽ tiếp tục cung cấp nguồn tài chính ổn định. Điều này giúp chúng tôi tiếp tục duy trì một cuộc sống tốt đẹp.
Vậy mà trước đây, tôi thường nghĩ mua bảo hiểm là cách tiết kiệm tiền, đầu tư sinh lợi hoặc đơn giản chỉ là một hình thức tiết kiệm.
Giờ đây, sau khi chính mình gặp biến cố, tôi nhận ra một điều: Mục đích đầu tiên của những người mua bảo hiểm nhân thọ là để được bảo vệ.
Một sai lầm khác không chỉ ở tôi mà trong suy nghĩ của rất nhiều người mua bảo hiểm, đó là ưu tiên mua bảo hiểm cho người thân trong gia đình. Thế nhưng, họ quên mất đối tượng cần bảo hiểm nhất chính là trụ cột trong gia đình, người mang về thu nhập cho gia đình, chứ không phải con cái. Đây là sai lầm rất dễ mắc phải vì tâm lý thương con của bố mẹ. Họ muốn mua bảo hiểm cho con nhưng quên mất mình mới là người cần được bảo vệ. Bởi nếu có chuyện không may xảy đến với mình, số tiền bảo hiểm sẽ thay mình chu toàn cho con cái. Vì vậy, người trụ cột nên tham gia bảo hiểm nhân thọ cho mình trước rồi hãy mua bảo hiểm cho con.
Quan trọng nhất là tìm cho mình một sản phẩm phù hợp
Thấy rõ ích lợi của việc mua bảo hiểm nhân thọ, tôi bèn gọi điện cho bạn bè, khuyên họ đừng thành kiến với bảo hiểm nữa. Và để nắm rõ hơn về các hình thức bảo hiểm, tôi đã rủ thêm vài cô bạn thân đến gặp cô bé nhân viên bảo hiểm. Chỉ sau khoảng một tiếng đồng hồ nghe cô giải thích, tôi đã vỡ lẽ ra một số điều.
Thứ nhất, có thể chia sản phẩm bảo hiểm làm hai loại, mỗi loại có một đặc điểm riêng:
• Dòng sản phẩm bảo hiểm truyền thống, đóng phí cố định theo định kỳ, bao gồm bảo hiểm tử kỳ (term life) và bảo hiểm có giá trị hoàn lại (cash value insurance) hay còn gọi là bảo hiểm tích lũy (endowment).
• Dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (universal life) có cách đóng phí linh hoạt thiên về hướng bảo vệ tài chính. Theo đó, tiền phí bảo hiểm được công ty đầu tư vào các kênh ổn định và trả lãi suất cam kết trên giá trị của tài khoản hợp đồng.
• Dòng bảo hiểm liên kết đơn vị (Unit Link) cũng có cách đóng phí linh hoạt. Tuy nhiên, khách hàng sẽ được quyền chọn kênh đầu tư được tin là sinh lãi cao nhưng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính rủi ro của các kênh đó.
Trong các dòng sản phẩm trên, dòng bảo hiểm liên kết chung được nhiều người lựa chọn hơn cả vì tính linh hoạt khi đóng phí và tính năng bảo vệ cao của nó. Khách hàng có thể chia số tiền mình muốn mua bảo hiểm tùy theo khả năng và thu nhập. Dòng sản phẩm này cũng cho thấy bảo hiểm nhân thọ không phải là thứ xa xỉ, chỉ dành cho những người có tiền, mà tất cả mọi đối tượng khách hàng, mọi độ tuổi có thể tham gia với mức giá trị bảo vệ tương xứng với khả năng tài chính của mình.
Đang say sưa đọc các hình thức bảo hiểm, chợt điện thoại reo, tôi nhấc máy. “Chị ơi, em là nhân viên của công ty bảo hiểm nhân thọ…”. Lập tức, tôi phản xạ: “Ừ! Em nói đi, chị đang nghe”.
Kim Thoa
Her World Việt Nam