Đường lên cầu thang tràn ngập ánh sáng vàng ấm áp của ngày mưa. Nồng độ vàng của nó càng tăng thêm bởi một chất xúc tác nhẹ. Đó là giọng hát của NSND Thu Hiền trong bản tình ca quá nổi tiếng và quá xưa cũ của thập niên 80, đầu 90 thế kỷ trước: “Nhà anh có một vườn cau, nhà em có một vườn trầu…”. Giới trẻ bây giờ thường nghe Lady GaGa hát Just Dance hoặc Womanizer, single mới nhất của Britney Spears chứ ai lại nghe Hoa cau vườn trầu?
… thì Thúy Nga nghe. Chị thích vậy mà. Thích nghe NSND Thu Hiền hát những giai điệu xưa, phát ra từ chiếc CD cũ, nằm trong chiếc máy đĩa cũ.
Dường như niềm yêu thích sự cổ điển, những gì thật cũ là vô tận trong tâm trí người phụ nữ – danh hài bé nhỏ này. Và chúng tôi bắt đầu những câu chuyện không-vui-cười, những câu chuyện của ngày- xưa-cũ trong bài hát Hoa cau vườn trầu.
Tôi vẫn thường nằm trên giường khóc một mình
Nga tâm sự, chính âm thanh này khiến chị cảm thấy thoải mái, bao nhiêu mệt nhọc của tinh thần, của cuộc sống ngày thường tan biến hết. Chị kể: “Bạn bè tôi thường bảo lấy chồng làm gì, độc thân như vậy có phải khỏe hơn không. Muốn ăn, muốn ngủ, muốn làm gì, đi đâu cũng không cần xin phép, để ý đến ai. Dẫu biết trong tình yêu, hạnh phúc luôn song hành cùng khổ đau nhưng tôi không thể sống thiếu nó được. Nhiều khi nằm trên giường, nghĩ đến chuyện tình yêu rồi buồn, rồi khóc vu vơ một mình…”.
Thôi thì bây giờ tôi quảng cáo dùm cho Thúy Nga vậy. Nếu yêu Thúy Nga, bạn sẽ được cười suốt ngày. Nga rất hay cười, hay đùa vui với mọi người. Nhưng ít người biết lúc buồn, chị lại đóng cửa rồi khóc một mình, không làm phiền đến ai. Hoặc nếu yêu Thúy Nga, bạn sẽ được thưởng thức nhiều món ăn gia đình thật ngon của cả hai miền Bắc và Nam do chính tay chị nấu. Nào là canh cua rau đay, cà pháo, cá kho tộ, canh chua hoặc bông thiên lý xào thịt bò… Hoặc như tôi bây giờ đây, được Nga mời ăn một bát chè hạt sen ngon đến không ngờ do chính tay chị mua nguyên liệu và nấu.
Nga nấu ăn rất giỏi. Ngay từ nhỏ, chị đã đi học để có thể tự tay nấu những bữa cơm gia đình thật ngon. Ngày xưa, mẹ Nga đi làm nhà nước nên bận rộn đến nỗi không còn thời gian nấu nướng. Ba mẹ con chị tìm đến giải pháp ăn cơm tiệm. Ngày qua ngày, Nga chán và thèm được ăn một bữa cơm gia đình. Thế là chị học nấu ăn.
Tôi thiếu sự yểu điệu nhưng thu hút đàn ông
Đó là Thúy Nga tự nhận xét về mình như thế. “Vậy thì bắt chước người ta, yêu đi chị!”, tôi đề nghị. Nga gật gù trả lời: “Tôi cũng từng yêu nhiều nhưng có thể là do tôi kén quá. Người yêu đầu tiên của tôi là một người rất đẹp trai nhưng không sâu sắc lắm. Rồi tôi cũng qua cái thời yêu đẹp, yêu xinh. Bây giờ, tôi thích đàn ông giỏi và tài. Nhưng thích là một chuyện, có gặp được người như vậy hay không lại là chuyện khác. Hạnh phúc của ba mẹ tôi đổ vỡ ngay từ khi chị em tôi còn rất nhỏ. Vì vậy, tôi rất kỹ tính trong hôn nhân”.
Chính vì sự kỹ tính đó mà tình duyên của Nga lận đận, đến mức: “Bây giờ, tôi không muốn yêu lâu nữa. Yêu lâu thì không bao giờ đi đến đâu. Tôi chỉ cần yêu với cảm giác biết người đó thật lòng là được. Hoặc nếu có ai đó làm mai thì yêu đại cho xong, rồi từ từ tìm hiểu nhau và đi đến đám cưới. Tôi cảm thấy mệt mỏi với tình yêu lắm rồi. Thú thật, tôi là người phụ nữ không có vẻ yểu điệu, nhõng nhẽo mà đàn ông thích. Ngoài ra, tôi còn rất sĩ diện. Tôi từng yêu thầm một người trong ba năm nhưng không chủ động tỏ tình vì nghĩ mình là con gái. Tôi cứ ôm mối tình đó trong lòng mãi, đến khi người ta lấy vợ mới ngồi đó mà buồn, mà tiếc”.
Nghe Nga kể, tôi gật gù rồi hỏi một câu khá-sự-thật-mất-lòng: “Chị không phải là một phụ nữ đẹp. Vậy có bao giờ chị nghĩ sắc đẹp là một trong những yếu tố khiến tình yêu của chị lận đận không?”. Nga cười ngọt ngào (chứng tỏ là không giận tôi) và tiếp tục: “Tôi không đẹp. Tôi biết điều đó chứ. Nhưng bù lại, tôi có sức hút với người đối diện. Đó là lý do tại sao mỗi lần tôi lên sân khấu là khán giả lại cười. Bạn tin không, bạn bè lâu năm chơi với tôi đều bảo tôi rất thu hút. Vấn đề là tôi quá cẩn trọng và kén chọn nên tình duyên mới lận đận đến thế”.
Tôi không muốn một cuộc hôn nhân tan vỡ giống bố mẹ
Tôi muốn nói đến nguyên nhân sâu xa khiến Nga kén chọn. Đó là cuộc hôn nhân trước đây của ba mẹ chị. Tôi tự hỏi nó để lại ấn tượng gì trong tâm trí người phụ nữ bé nhỏ kia, và tôi nhận được câu trả lời: “Sau khi chia tay nhau, ba mẹ tôi ở hai nơi, cách nhau một con đường ngắn. Vì vậy mà lúc bé, hai chị em tôi vẫn thường xuyên chạy qua thăm ba. Nhưng đến khi ba lấy vợ khác thì chúng tôi ít ghé hơn vì ngại và cũng vì tình cảm của chúng tôi với dì không được tốt lắm. Tôi buồn kinh khủng, nỗi buồn dai dẳng của một đứa trẻ mới lớn.
Một ngày, đang ngồi trong nhà, tôi nghe hàng xóm vọng vào: “Nga ơi, ba con với dì đang cãi nhau kìa, con qua coi thử đi”. Tôi chạy qua và nói với dì: “Dì đối xử với tôi không tốt mà bây giờ còn đối với ba tôi như vậy hả?”. Ba tôi lúc đó mới lấy dì nên bảo: “Thôi con về nhà đi. Chuyện của ba để ba lo, không cần đến con đâu”.
Tôi khóc, tôi buồn, rồi tôi lao đi trong cơn mưa. Lúc đó, tôi tự nhủ với lòng sẽ không bao giờ ly dị để con tôi sau này phải khóc như tôi”.
Kết
Cách đây hai năm, khi chưa xây nhà, cũng trong một đêm mưa, Nga từng khóc với tôi khi tâm sự về tình yêu. Hôm nay, mưa không gõ vào mái tôn mà reo tí tách bên hiên nhà, Nga đã dũng cảm nói về vấn đề mà chị giấu sâu trong tâm hồn. Rồi chị dắt tôi sang phòng khác để thưởng thức bản Ballade Pour Aleline của Paul de Senneville. Trong tiếng nhạc, chị bảo mình… bớt buồn rồi. Bất giác, chị nở nụ cười. Lại cười kiểu Thúy Nga.
BÀI: THÀNH NHÂN. ẢNH: NAM TRUNG STUDIO, TƯ LIỆU