Chiếc quần denim là món đồ không thể thiếu của mọi phụ nữ. Vậy nơi nào sản xuất ra những chiếc quần denim chất lượng nhất? Câu trả lời sẽ khiến nhiều người bất ngờ. Lịch sử của item must-have này bắt nguồn từ Mỹ nhưng Nhật Bản mới là xứ sở cho ra đời loại denim hàng đầu thế giới. Denim Nhật Bản với kỹ thuật dệt thủ công điêu luyện đã được ngành thời trang công nhận là loại denim đẳng cấp nhất.
DENIM – MỘT HUYỀN THOẠI THỜI TRANG
Yves Saint Laurent từng thổ lộ rằng ông ước gì mình là người phát minh ra quần denim vì món đồ này “vừa gợi cảm vừa kín đáo, vô cùng thu hút mà lại đơn giản, hội tụ đủ mọi yếu tố mà tôi muốn trên thiết kế của mình”. Trải qua lịch sử phát triển hàng trăm năm, quần denim vẫn chứng tỏ sức sống bền bỉ và tính thời thượng bất diệt khi giữ vững vị thế là một trong những item thời trang được ưa chuộng nhất bất kể tầng lớp, giới tính hay tuổi tác.
Câu chuyện về chiếc quần denim bắt nguồn từ nửa cuối thế kỷ 19 khi Levi Strauss đến San Francisco theo cơn sốt vàng để buôn vải bạt may lều và vải cotton may đồ cho thợ mỏ. Ông hợp tác với Jacob Davis, người thợ may phát kiến ra kiểu quần dập nút đồng trên túi, sản xuất trang phục nhuộm màu xanh từ chất liệu dai, bền với thiết kế chắc chắn để đáp ứng nhu cầu của những người lao động nặng. Mẫu quần này trở nên phổ biến trong cộng đồng thợ mỏ, cao bồi, công nhân và nhanh chóng lan sang các tầng lớp khác. Năm 1873, Levi Strauss và Jacob Davis được cấp bằng sáng chế cho thiết kế này. Từ đó, chiếc quần denim xanh huyền thoại ra đời, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho giới thời trang.
SỰ TRỖI DẬY CỦA QUẦN DENIM NHẬT BẢN
Ngày nay, quần denim đã đạt đến tầm biểu tượng thời trang chưa bao giờ lỗi mốt. Vì thế, các nhà sản xuất denim không ngừng nghiên cứu, cải tiến để cho ra đời những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Trong cuộc đua này, Nhật Bản đã chứng tỏ sức mạnh khó đối thủ nào sánh kịp.
Cuốn theo làn sóng văn hóa Mỹ du nhập vào Nhật Bản những năm 1950, trang phục vintage phương Tây tìm được vùng đất mới và nhanh chóng trở thành niềm đam mê của giới trẻ xứ hoa anh đào. Các nhà buôn ồ ạt nhập quần denim từ Mỹ về để hốt bạc. Nhu cầu không ngừng gia tăng cùng đòi hỏi tiêu chuẩn hoàn hảo trên sản phẩm đã thúc đẩy ngành sản xuất denim trên đất Nhật, chủ yếu tập trung tại quận Kojima.
Các chuyên gia cho biết hiện nay, sản phẩm Nhật Bản chiếm 70% trong số quần denim cổ điển ở Mỹ, được giới sưu tầm và những người đam mê thời trang vô cùng yêu thích dù giá thành cao ngất ngưỡng, có thể lên đến 40 ngàn đô-la Mỹ cho một sản phẩm thuộc dòng denim hiếm.
THỦ PHỦ DENIM Ở ĐẤT NƯỚC MẶT TRỜI MỌC
Quận Kojima nằm ở phía Nam thành phố Kurashiki, tỉnh Okayama, tự hào là cái nôi của denim Nhật Bản. Khởi đầu là khu vực dệt vải truyền thống, sau Thế Chiến thứ II, Kojima trở thành trung tâm sản xuất denim cho cả nước. Với kỹ thuật tiên tiến, các xưởng dệt ở Kojima giành được nhiều đơn đặt hàng từ các thương hiệu thời trang Nhật Bản và nước ngoài. Những thập kỷ gần đây, trong bối cảnh quần denim giá rẻ tràn ngập thị trường, Kojima chuyển hướng tập trung sản xuất denim thủ công với chất lượng cao cấp hơn. Một số xưởng dệt còn xây dựng thương hiệu riêng. Hiện nay, Kojima có hơn 30 doanh nghiệp sản xuất quần denim và hơn 200 công ty liên quan, chiếm tổng 40% trong ngành này ở Nhật.
Không chỉ sở hữu loại denim có chất lượng xuất sắc, Kojima còn khẳng định đẳng cấp với kỹ thuật thượng thừa trong tất cả các khâu liên quan như nhuộm, may, trang trí… Đây cũng là nơi sản sinh ra kỹ thuật wash tạo ra những chiếc quần denim bạc màu cực chất. Bên cạnh đó, Kojima còn khuếch trương thanh thế khi lập nên “Phố Jeans Kojima” nhằm tôn vinh lịch sử ngành dệt denim của khu vực và quảng bá các thương hiệu. Trên con phố này tập trung vô số những cửa hàng bán quần denim và có cả bảo tàng denim phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của khách du lịch trong và ngoài nước.
ĐIỀU GÌ TẠO NÊN TIẾNG TĂM CHO DENIM NHẬT BẢN?
Denim từ Nhật thường được xem là “đỉnh” nhất thế giới. Vậy, denim Nhật khác gì so với chất liệu sản xuất ở Mỹ, Ý hay Thổ Nhĩ Kỳ? Để đánh giá chất lượng denim, cần xét qua nhiều yếu tố:
Kết cấu
Denim Nhật Bản được sản xuất từ khung dệt truyền thống chứ không phải máy dệt nhập từ Mỹ. Máy dệt hiện đại cho ra chất liệu vải chuẩn xác và đồng đều. Song, những người đam mê denim dày dạn kinh nghiệm thường không thích sự đồng đều ấy. Chính sự thiếu nhất quán và không hoàn hảo trong quá trình dệt thủ công lại mang đến loại denim được giới mộ điệu sủng ái.
Hầu hết quần denim có bề mặt nhẵn trong khi denim Nhật khá thô hoặc có nhiều lông. Chẳng hạn như sản phẩm của hãng Pure Blue Japan nổi tiếng với chất vải lem nhem, denim của hãng Samurai có bề mặt hơi sần hay The Flat Head hút khách nhờ những chiếc quần denim nổi sọc dọc. Những phẩm chất này thu được từ kỹ thuật điều chỉnh khung dệt riêng và là bí quyết nghề nghiệp của mỗi hãng.
Màu sắc
Quy trình nhuộm theo phương thức truyền thống là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc cho denim Nhật Bản. Đất nước này vốn có ngành nhuộm vải lâu đời từ hàng trăm năm trước khi người dân nhuộm màu cho trang phục kimono truyền thống. Tương tự, denim sản xuất ở Nhật cũng trải qua một loạt quy trình nhuộm độc quyền.
Một trong những đặc tính nổi bật nhất của quần denim Nhật Bản là màu sắc trên sản phẩm của mỗi hãng mỗi khác. Nhiều thương hiệu phương Tây sử dụng cùng loại vải từ xưởng dệt White Oak để may quần denim nên sản phẩm na ná nhau, còn các nhà sản xuất Nhật Bản chọn đặc trưng riêng.
Các thương hiệu Fullcount, Denime hoặc Warehouse thổi hồn cho chiếc quần denim vintage kiểu Mỹ bằng màu sắc nhẹ nhàng. Tenryo, The Strike Gold và Pure Blue Japan nhuộm vải sợi ngang để tạo sắc màu ngả xám hoặc nâu. Hãng The Flat Head và Eternal lại nhuộm màu cực đậm để tạo ra chất denim ngả sang màu ngọc lam đậm theo thời gian.
Trọng lượng
Một đặc điểm khác của quần denim Nhật là nặng hơn sản phẩm ở nước khác gấp 1,5- 2 lần. Trọng lượng nặng hơn đồng nghĩa với độ dẻo dai, bền chặt cao hơn và giữ ấm tốt hơn. Bên cạnh đó, chất vải nặng tạo ra nếp nhăn dày hơn nên khi phai màu sẽ tạo ra hoa văn rõ nét.
Ngoài ra, denim Nhật Bản còn được đánh giá cao bởi kỹ thuật xử lý sợi vải trước khi dệt. Từng khâu làm sạch, gỡ rối, chải sợi, hồ vải… đều được thực hiện tỉ mỉ để cho ra thành phẩm có chất lượng toàn diện.
Từ mong muốn hoàn thiện những chiếc quần denim Mỹ, các nhà sản xuất Nhật Bản đã trở thành chuyên gia hàng đầu về denim với kiến thức sâu rộng và kỹ thuật vượt trội. Thế nên, khả năng cả thế giới phát cuồng vì những chiếc quần denim “made in Japan” chỉ là chuyện sớm muộn.
Bài: HẢI ĐƯỜNG
Her World Việt Nam