ECO FASHION – THỜI TRANG SINH THÁI

Ngành công nghiệp thời trang là nguyên nhân lớn thứ hai gây ô nhiễm. Đó là lý do thời trang sinh thái ngày càng được chú trọng

Ngành công nghiệp thời trang là nguyên nhân lớn trang trị giá 2,5 nghìn tỷ đô-la Mỹ, sử dụng toàn thế giới. Đó là lý do thời hơn 40 triệu người lao động, trở thành một trong những ngành có lợi nhuận cao nhất trên thế giới. Quá trình toàn cầu hóa tăng trưởng chóng mặt giúp cho ngành công nghiệp thời trang liên tục mở rộng, thuê lao động giá rẻ ở các nước chậm phát triển. Điều này dẫn đến sự thiếu minh bạch trong khâu sản xuất, các tiêu chuẩn xã hội ngày càng cẩu thả. Theo Earth Pledge, tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy và hỗ trợ phát triển thời trang bền vững, có ít nhất 8.000 hóa chất được sử dụng để biến các nguyên liệu thô thành hàng dệt may và 25% thuốc trừ sâu trên toàn thế giới được sử dụng để trồng bông. Thiệt hại cho con người và môi trường chiếm đến 2/3 lượng khí thải carbon trong một sản phẩm may mặc.

Chính vì vậy, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến tính minh bạch trong các sản phẩm, đồng thời ưa chuộng những món đồ thời trang an toàn, lâu bền, có thể sử dụng dài hơn một mùa nếu họ cảm thấy đặc biệt yêu thích chúng. Nhờ vào tiến bộ kỹ thuật, ngành thời trang đã có thể tạo ra những sản phẩm “xanh” có tính bền vững, được sản xuất theo quy chuẩn “sạch” mà vẫn đảm bảo các yếu tố thẩm mỹ.

Bộ sưu tập sinh thái Pre-Fall 2017 của thương hiệu Edun

Bộ sưu tập sinh thái Pre-Fall 2017 của thương hiệu Edun

Nhà thiết kế Patrycja Guzik (người thứ 4 từ trái sang) đoạt giải nhất tại EcoChic Awards 2016 dành cho thời trang sinh thái

Nhà thiết kế Patrycja Guzik (người thứ 4 từ trái sang) đoạt giải nhất tại EcoChic Awards 2016 dành cho thời trang sinh thái

Giày thể thao Nike luôn sử dụng nguyên liệu sinh thái tái chế thân thiện với môi trường

Giày thể thao Nike luôn sử dụng nguyên liệu sinh thái tái chế thân thiện với môi trường

Nguồn gốc thời trang sinh thái

Khái niệm về thời trang bền vững xuất hiện vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 khi hai công ty thời trang nổi tiếng là Patagonia (chuyên sản xuất trang phục leo núi) và ESPRIT loay hoay tìm kiếm con đường sống cho doanh nghiệp của họ. Trong thời kỳ đen tối của nền kinh tế suy thoái lúc đó, hai ông chủ của hai hãng này là Yvon Chouinard và Doug Tompkins đã đặt tầm nhìn xa cho doanh nghiệp của mình lên đến… 100 năm! Vì vậy, tất cả những quyết định đưa ra đều dựa trên quan điểm bền vững.

Không cách gì có thể chế tạo một sản phẩm mà không gây hại, chỉ là vấn đề mức độ. Không gì có thể tồn tại vĩnh viễn, mọi tài nguyên đều có giới hạn, nhưng họ muốn hạn chế tối đa việc gây hại và thời hạn sử dụng sản phẩm phải thực sự lâu bền. Họ bắt đầu  nghiên cứu về tác động của các loại sợi được sử dụng trong công ty của mình. Patagonia tập trung đánh giá vòng đời của bốn loại sợi gồm bông, len, nylon và polyester. Còn ESPRIT tập trung vào bông, chiếm 90% sản lượng của doanh nghiệp vào thời điểm đó.

Hành động thiết thực của hai công ty này đã ảnh hưởng đến toàn bộ ngành thời trang và tính bền vững của quần áo thời bấy giờ. Năm 1992, ESPRIT cho ra đời bộ sưu tập thời trang sinh thái đầu tiên. Chất liệu bao gồm bông hữu cơ, len tái chế, len xử lý tự nhiên, thuốc nhuộm tác động thấp, bông màu tự nhiên, không mạ điện. Patagonia cũng cam kết sử dụng polyester tái chế vào năm 1992 và công bố rộng rãi việc sử dụng bông hữu cơ vào năm 1996.

Cả hai thương hiệu đều công bố mọi hoạt động của mình về tính bền vững thông qua tài liệu, sách ảnh và truyền thông trực tiếp tại chuỗi cửa hàng. Đồng thời, hai hãng này cũng tổ chức các chuyến tham quan trang trại cho các chuyên gia thời trang để gặp gỡ trực tiếp với nông dân trồng bông hữu cơ.

Trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000, trào lưu thời trang bền vững đã được mở rộng sang nhiều thương hiệu danh tiếng khác với trọng tâm chính là cải thiện tác hại của quần áo thông qua việc chế biến sợi vải và xuất xứ của nguyên liệu. Ngoài ra còn kéo theo phong trào minh bạch, thể hiện quy trình sản xuất nhằm làm tăng danh tiếng của công ty, tạo ra xu hướng mua sắm có ý thức cho người tiêu dùng.

Lily Cole diện đầm ánh bạc từ chai nhựa tái chế tại Oscar 2016

Lily Cole diện đầm ánh bạc từ chai nhựa tái chế tại Oscar 2016

Chất liệu sinh thái thân thiện môi trường

Có nhiều yếu tố đánh giá tính sinh thái của chất liệu như sự tái tạo và nguồn gốc của loại sợi, quá trình biến sợi thô thành vải dệt, điều kiện làm việc của người sản xuất và tổng lượng carbon của vật liệu.
l Sợi tự nhiên: gồm cellulose (sợi thực vật) và protein (chất xơ động vật).
Cellulose: Chủ yếu là sợi từ bông cotton. Các loại xơ cellulose khác gồm đay, lanh, gai dầu, abaca, tre (dùng sản xuất vải viscose), đậu nành, ngô, chuối, dứa, gỗ sồi. Protein: Các sợi protein tự nhiên bao gồm len, tơ tằm, lông lạc đà, dê lông dài, các giống lạc đà ở Nam Mỹ như alpaca, llama, vicuna, len cashmere và vải nỉ làm từ lông dê.
l Các loại sợi được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên: Lyocell và polylactic acid (PLA) l Các sợi được tái chế hoặc các sợi tái chế: được làm từ các vật liệu đã sơ chế thu gom từ các nhà máy sản xuất quần áo, chế biến trở lại thành sợi ngắn để quay thành một loại sợi mới.

Lauren Bush Lauren và David Lauren luôn luôn ủng hộ thời trang sinh thái

Lauren Bush Lauren và David Lauren luôn luôn ủng hộ thời trang sinh thái

Thời trang sinh thái có phải là hàng hiếm?

Bạn cho rằng mua một món đồ sinh thái không dễ vì chúng chỉ được bán ở những cửa hiệu đặc biệt? Ngược lại, bạn sẽ hoàn toàn bất ngờ khi biết những thương hiệu thời trang nổi tiếng quen thuộc đa phần đều có dòng sản phẩm sinh thái để khách hàng chọn lựa.

Điển hình là thương hiệu quần jeans Levi’s. Năm 2015, Levi Strauss & Co đã tuyên bố một cuộc cải tổ về hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo sự bền vững của công ty trên tất cả các mặt trận, từ nguồn nguyên liệu đến sản xuất các sản phẩm, nỗ lực tổ chức các hoạt động tình nguyện. Levi Strauss & Co đã hợp tác với Evrnu để tạo ra những chiếc quần jeans đầu tiên trên thế giới chỉ “tống” ra khoảng 50% lượng rác thải sau khi tiêu thụ. Hãng thời trang danh tiếng này còn dùng chai nhựa đã qua sử dụng tái chế thành sợi polyester kết hợp với sợi cotton tạo nên dòng quần jeans Water<Less giúp tiết kiệm lượng nước đến 96%. Hiện nay, hầu hết quần jeans Levi’s đều sử dụng công nghệ này.

71% giày của Nike hiện nay bao gồm các vật liệu tái chế, một số sản phẩm có nguồn gốc từ các mảnh nguyên liệu thừa trong nhà máy của chính Nike. Điều này cho thấy Nike rất thân thiện với môi trường và biến yếu tố này thành một trong những đặc điểm nhận dạng thương hiệu của họ một cách khôn ngoan.

Các nhà thiết kế Việt Nam cũng nhanh nhạy bắt kịp xu hướng eco-fashion và người tiêu dùng hoàn toàn có thể mua các sản phẩm sinh thái có sẵn tại cửa hàng mang thương hiệu của họ một cách dễ dàng. Người luôn khơi dậy cảm hứng yêu thiên nhiên, môi trường chính là nhà thiết kế Li Lam. Cô luôn gắn bó với chất liệu lụa. Nhà thiết kế Võ Việt Chung, Công Trí với những bộ sưu tập áo dài bằng chất liệu lãnh Mỹ A và lụa mặc nưa. Nhà thiết kế Linda Mai Phùng từng rong ruổi khắp các miền cao phía Bắc để tìm kiếm loại vải dệt thủ công không gây tổn hại môi trường cho những thiết kế eco- fashion của mình.

Quần jeans làm từ cotton hữu cơ của hãng Patagonia 

Quần jeans làm từ cotton hữu cơ của hãng Patagonia

Thời trang sinh thái là phong cách sống văn minh, chứ không chỉ là trào lưu

Thời trang sinh thái đã trở thành một trong những yếu tố sống còn của ngành thời trang. Các thương hiệu danh tiếng đều đang cố gắng xây dựng hoặc cải cách mô hình kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường và điều chỉnh ý thức mua sắm của người tiêu dùng, đồng thời cũng để duy trì sự bền vững của doanh nghiệp.

Năm 2014, thương hiệu thời trang bán lẻ H&M đã làm một điều chưa từng có trong lịch sử ngành thời trang là ký kết hợp tác với Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hiệp Quốc nhằm bảo vệ quyền lợi cho các nhân công làm việc trong các nhà máy của họ.

Redress, một tổ chức phi chính phủ luôn tận tâm trong việc thúc đẩy phát triển bền vững của môi trường trong ngành công nghiệp thời trang, đã mở ra cuộc thi EcoChic Awards hàng năm nhằm tạo cảm hứng cho các nhà thiết kế trẻ làm nên sắc thái mới mẻ cho thời trang sinh thái.

Các influencer gồm những ngôi sao nổi tiếng, người mẫu, fashion icon, hot blogger… đã ý thức được tầm quan trọng của thời trang sinh thái trong đời sống nên tận dụng tầm ảnh hưởng của mình để tích cực lăng-xê thời eco-fashion.

Nữ viên viên, nhà thiết kế nổi tiếng Lauren Conrad là người đồng sáng lập trang web The Little Market, một thị trường thương mại trực tuyến bán các sản phẩm thủ công từ các nước như Bolivia, Peru, Ấn Độ, Nepal, Ghana và Guatemala. Thông qua đó, thị trường trực tuyến này giúp các thợ thủ công trên toàn thế giới duy trì hoạt động kinh doanh và lưu giữ các kỹ năng truyền thống truyền lại từ các thế hệ trước, cải thiện cộng đồng thông qua cam kết về các tiêu chuẩn đạo đức như trả lương công bằng, cạnh tranh thương mại công bằng và điều kiện an toàn cho tất cả công nhân.

Một trong những nhà thiết kế thân thiện với môi trường tiêu biểu nhất là Stella McCartney. Cô chỉ sử dụng các loại vải hữu cơ, năng lượng tái tạo cho hoạt động của các cửa hàng, không sử dụng da hoặc lông thú. McCartney nói, “Chúng ta sống trên hành tinh này và cần phải chăm sóc nó. Nếu không có nó, chúng ta không có gì cả. Vì vậy, bảo vệ trái đất không chỉ cần ngành công nghiệp thời trang mà đòi hỏi bất kỳ ngành công nghiệp nào”. McCartney cũng tạo ra một Twitter mới cho hashtag #itsnotjuststella kêu gọi ý thức về cuộc cách mạng thời trang bền vững, đặc biệt là những thương hiệu ít nổi bật hơn, những người cùng sản xuất thời trang thân thiện với môi trường.

Lauren Bush Lauren, vợ của David Lauren – con của Ralph Lauren, là người sáng lập ra dự án FEED, chuyên sản xuất túi xách làm bằng tay và là một công ty hỗ trợ cho các tổ chức cung cấp 84 triệu bữa ăn cho trẻ em nghèo nhằm chống lại nạn đói trên toàn cầu.

Công ty Goop của diễn viên Gwyneth Paltrow đã hợp tác với Amour Vert để tạo ra một dòng thời trang sinh thái với áo sơ mi được làm từ vải hữu cơ, tơ tằm và sử dụng thuốc nhuộm tác động thấp. Mỗi chiếc áo bán ra sẽ có thêm một cây xanh được trồng trong rừng quốc gia Tahoe.

Nữ diễn viên Olivia Wilde đã gắn bó với H&M từ bộ sưu tập Conscious Exclusive 2015. Bộ sưu tập sử dụng polyester tái chế, bông hữu cơ và lụa. Wilde cũng là người đồng sáng lập thị trường trực tuyến Conscious Commerce để chứng minh thời trang sinh thái cũng có phong cách.

Tại Oscar 2016, Lily Cole xuất hiện lộng lẫy trên thảm đỏ trong bộ đầm ánh bạc làm từ những chai nhựa tái chế của Vivienne Westwood. Nữ diễn viên 20 tuổi Sophie Turner của siêu phẩm Game of Thrones cũng diện một bộ váy sinh thái của Galvan.

Năm nay, sự kiện nổi bật nhất liên quan đến eco-fashion thu hút cánh báo chí và gợi tò mò cho các tín đồ thời trang là The Press Tour của cô nàng Emma Watson. Trong suốt quá trình ra mắt phim Beauty and the Beast khắp thế giới, với vai trò Đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc, nữ diễn viên đã tích cực quảng bá thời trang sinh thái của các thương hiệu và nhà thiết kế thân thiện với môi trường. Đó là Good Guys – thương hiệu giày dép không sử dụng bất kỳ nguyên liệu động vật nào; áo khoác Stella McCartney làm từ cashmere tái chế, vải tái chế, bông hữu cơ; trang phục bằng lụa hữu cơ của Burberry; Oscar de la Renta; Emilia Wickstead với chất liệu có thể tái chế; bộ đầm Louis Vuitton do Nicolas Ghesquiere thiết kế làm bằng polyester tái sinh từ những chai nhựa…

Bộ sưu tập sinh thái thu đông 2017 của Stella McCartney 

Bộ sưu tập sinh thái thu đông 2017 của Stella McCartney

Mua sắm có ý thức sinh thái

Một chuyên gia trong lĩnh vực thời trang đã nói: “Khi mua sắm quần áo, phái đẹp nên tự hỏi liệu mình có mặc món đồ đó 30 lần hay không. Nếu câu trả lời là “có” thì hãy mua nó”. Với fast-fashion (thời trang bình dân), trung bình phụ nữ chỉ mặc khoảng 5 lần và giữ món đồ trong tủ quần áo không đến 2 tháng, rõ ràng con số “mặc 30 lần” là bất khả thi. Như vậy câu nói trên chỉ dành cho thời trang sinh thái bởi ngoài yếu tố góp phần bảo vệ môi trường, chất liệu thuần khiết cũng mang lại cho người mặc cảm giác an toàn, vui vẻ diện đi diện lại suốt cả năm không chán, khi vứt đi cũng nhẹ nhõm bởi chúng sẽ quay trở lại với diện mạo mới.

Đối với phái đẹp, để tỉnh táo lựa chọn giữa thời trang và môi trường khi đứng trước một món đồ yêu thích, khao khát muốn sở hữu nó, là điều không phải dễ. Thế nhưng, nếu như bạn biết rằng Trung Quốc tạo ra 300 tấn muội than hàng năm trong việc sản xuất quần áo khiến nước này trở thành một trong những nước ô nhiễm hàng đầu thế giới; loại sợi tổng hợp polyester phổ biến nhất của ngành công nghiệp may mặc phải mất tới 200 năm mới phân hủy; để tạo ra một chiếc áo thun cotton đơn giản, người trồng bông sử dụng đến 150ml hóa chất độc hại mà chỉ cần một giọt đã đủ lấy mạng bạn… hẳn bạn sẽ nghĩ lại.

Dù sao đi nữa, quần áo chỉ nên là những món phụ kiện giúp cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn thay vì “thẳng tay” hủy hoại môi trường. Giờ đây, fast-fashion (thời trang giá rẻ) gần như bị đánh bại bởi eco-fashion, hay còn gọi là slow-fashion, bởi độ phủ sóng trên thị trường, giá ngày càng cạnh tranh hơn và ý thức mua sắm của người tiêu dùng cũng đã được nâng cao.

BÀI: GIGI. ẢNH: AFP, TƯ LIỆU.

Trích đăng từ tạp chí Her World Việt Nam tháng 5/2017

Đừng bỏ qua