Trung tuần tháng Mười, vở nhạc kịch đầu tiên được dàn dựng công phu ở Việt Nam công diễn. Mặc những cơn mưa cuối mùa đến sát giờ mở màn, sân khấu vẫn sáng đèn, để rồi trong hơn hai giờ đồng hồ, làm hài lòng cả những khán giả khó tính.
LỜI ĐỘNG VIÊN TỪ GIỚI CHUYÊN MÔN
Trong suất diễn ra mắt giới truyền thông vào chiều 12–10, Chuyện tình nàng Giáng Hương đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Ca sỹ Mỹ Linh, dù chỉ xem trọn vẹn 3 màn cuối, thốt lên: “Chúc mừng ê-kíp thực hiện vở diễn, Linh thấy hay”. Siêu mẫu Hà Anh tiếp lời: “Vở nhạc kịch là nơi kết nối các thế hệ. Tôi, các bạn trẻ và cả người lớn tuổi đều có thể tìm thấy những kỷ niệm xưa trong một loại hình nghệ thuật mới mẻ. Dĩ nhiên, lần đầu tiên luôn có những cái chưa hoàn thiện, nhưng tôi đánh giá cao những người dám mạnh dạn tiên phong”.
Ngồi dưới hàng ghế khán giả, NSƯT Mỹ Uyên bất ngờ: “Nhạc hay, ca sỹ hát hay, diễn viên rất nhập tâm, vừa hát vừa thoại rất công phu. Tôi hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ đến thưởng thức vở nhạc kịch, để loại hình nghệ thuật này trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của người dân Việt Nam”.
NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN THÀNH CÔNG
“Kịch bản quá hay và bất ngờ!” là nhận xét của đa số khán giả sau khi vở diễn kết thúc. Nếu trong tích cũ, Từ Thức và Giáng Hương bị chia cắt mãi mãi thì ở đây, biên kịch Thiên Hương đã tạo nên happy-ending cho những cô gái dám đấu tranh cho tình yêu như Giáng Hương. Bên cạnh đó, yếu tố mới lạ trong kịch bản còn đến từ các chi tiết rất nhỏ như cảnh Tiên Mẫu đưa ra lựa chọn đào tiên – xôi nếp cho Từ Thức; trang phục màu đỏ, vốn tượng trưng cho sự nổi loạn, của Giáng Hương.
Tổng đạo diễn – biên kịch Thiên Hương không ngần ngại đầu tư cho đạo cụ và trang phục. Hai bối cảnh chính của vở: cổng làng nơi Từ Thức làm quan và chốn bồng lai tiên cảnh được khắc họa đâu ra đấy. Hiệu ứng từ màn hình LED đưa người xem vào những khung hình sống động, cuốn hút. Đạo diễn trẻ Nguyễn Mỹ Trang chia sẻ: “Đạo cụ sân khấu khá phong phú, lột tả được cảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam cũng như chốn tiên cảnh huyền ảo. Trang phục càng về cuối càng đẹp”.
Nhạc sỹ Nguyễn Công Phương Nam đóng góp rất lớn vào thành công của vở nhạc kịch. Ông đã làm mới các bản nhạc cũ và mới, lồng ghép khéo léo vào từng phân cảnh để lôi kéo cảm xúc của khán giả. Tất cả cộng hưởng với chất giọng cao vút của Nam Khánh, Thanh Nguyên, Tấn Đạt, Hoàng Kim… làm nên phần “nhạc” không chê vào đâu được.
Nhạc hay, ca giỏi, sân khấu mãn nhãn, kịch bản tốt… Chuyện tình nàng Giáng Hương xứng đáng được công chúng Việt đón nhận. Mong là sắp tới, vở sẽ có thêm nhiều suất diễn để những ai chưa được thưởng thức khỏi tiếc nuối.
LÊ TỊNH GIAO – Nhân viên truyền thông CJ CGV
Cảm xúc của tôi dành trọn cho âm nhạc trong suốt 120 phút của vở diễn. Tuy vậy, diễn xuất cũng như đài từ của các diễn viên chưa hoàn toàn thuyết phục tôi. Được biết ngoại trừ Nam Khánh, tất cả diễn viên đều là các bạn trẻ, chưa có kinh nghiệm đứng trên sân khấu lớn. Do đó, đôi lúc họ nhập vai chưa “nhuyễn”, đài từ còn cứng. Hy vọng họ sẽ rút kinh nghiệm trong các dự án lớn, được đầu tư quy mô sau này.
NGUYỄN TUẤN – Nhân viên truyền thông phim
Nhẹ nhàng, lãng mạn, Chuyện tình nàng Giáng Hương cho tôi thêm cảm xúc và niềm tin vào tình yêu thời hiện đại. Lúc ngồi trong rạp, tôi hơi tiếc khi vở diễn không có nhiều cao trào mà diễn ra đều đều, êm ả. Tuy nhiên ngẫm lại, vở lấy đề tài tình yêu, không phải hành động hay trinh thám nên đòi hỏi phải có nhiều cao trào là bất khả thi. Những đoạn rap mang hơi hướm hiện đại của Từ Thức hay Đông Tử góp phần khuấy động không khí nhẹ nhàng xuyên suốt vở diễn.
XUÂN THANH – Du học sinh
Chuyện tình nàng Giáng Hương làm theo phong cách musical – ca vũ kịch. Phần nhạc rất ổn nhưng kịch, đặc biệt là “vũ” khiến tôi chưa thỏa mãn. Tôi trông đợi các màn múa nhiều hơn. Phân cảnh để lại ấn tượng nhất trong tôi là lúc các nàng tiên đeo đôi cánh gắn đèn LED lấp lánh, khiến ai có mặt trong khán phòng cũng phải giơ điện thoại lên chụp.
Her World Việt Nam