NHỮNG NHÀ NGHỀ THỦ CÔNG CỦA CHANEL VÀ MÉTIERS D’ART PARIS-HAMBURG 2017/18

Bộ sưu tập Pre-Fall Métiers d'Art Paris-Hamburg 2017/18 được tổ chức thường niên của Chanel đã mang đến bữa tiệc thời trang thực thụ cho giới mộ điệu.

Đã thành truyền thống suốt một thập kỷ qua, Chanel Métiers d’Art Show là một trong những sự kiện được chờ đợi nhất dành cho giới thời trang, cũng như những người yêu thích vẻ đẹp tinh xảo của haute couture. Mỗi năm, show diễn Métiers d’Art lại được tổ chức ở một địa điểm khác biệt và năm nay Karl Lagerfeld đã chọn quê hương của mình, thành phố cảng Hamburg, Đức. Khi nhiều nhà mốt khác bắt đầu chuyển hướng đến chủ nghĩa cá nhân hợp thời theo mong muốn của thế hệ millennials, giám đốc sáng tạo Karl Largefeld vẫn truyền tải tinh thần của Garbrielle Chanel qua đường nét thiết kế tối giản, kỹ thuật cắt may thủ công thượng thừa cùng lối trang trí cầu kỳ bởi các nghệ nhân lão luyện đến từ nhà nghề Montex, Lesage hay Lemarié…

NHÀ NGHỀ MONTEX – NGHỆ THUẬT ĐÍNH KẾT

Những viên đá quý kết hợp cùng các chi tiết kim loại được thêu bằng chỉ điểm xuyết cho phần ve áo, viền áo, cổ tay áo cũng như chân váy.

Những viên đá quý kết hợp cùng các chi tiết kim loại được thêu bằng chỉ điểm xuyết cho phần ve áo, viền áo, cổ tay áo cũng như chân váy.

Được thành lập từ năm 1939, Montex Atelier nổi tiếng với nhiều kỹ thuật đan móc Lunéville, thêu thủ công hiện đại và đính kết tinh xảo theo hiệu ứng 3D cho các nhà mốt danh tiếng như: Chanel, Yves Saint Laurent, Christian Dior, Louis Vuitton… Dưới sự dẫn dắt suốt 40 năm qua của giám đốc mỹ thuật Annie Trussart, nhà nghề Montex đã góp phần mang đến sự xa hoa, đẳng cấp cho các chi tiết trang trí công phu nhất tại Chanel Métiers d’Art Paris-Hamburg 2017/18.

Mỗi một chi tiết nhỏ trên trang phục đều thể hiện tinh hoa nghệ thuật thủ công được thực hiện bởi các nghệ nhân lão luyện nhất trong làng thời trang Paris.

Mỗi một chi tiết nhỏ trên trang phục đều thể hiện tinh hoa nghệ thuật thủ công được thực hiện bởi các nghệ nhân lão luyện nhất trong làng thời trang Paris.

NHÀ NGHỀ LESAGE – NGHỆ THUẬT THÊU THÙA

Sẽ là một thiếu sót lớn khi nói đến ngôi nhà chung Métiers d’Art mà không nhắc đến nhà nghề Lesage, một cái tên danh tiếng trong lĩnh vực đan thêu bên cạnh những nhà nghề trứ danh khác. Câu chuyện về Lesage bắt đầu vào năm 1858 khi Charles F. Worth đứng ra thành lập cửa hiệu thời trang cao cấp đầu tiên với tài năng thêu thùa của Albert Michonet. Năm 1924, Albert Michonet hợp tác cùng Marie-Louis Lesage tiếp quản xưởng thêu Michonet tiếng tăm trong giới couture trước đó, tạo nên sự kết hợp hoàn mỹ với những nhà thiết kế lẫy lừng như Paquin, Madeleine Vionnet.

Bàn tay khéo léo, tinh tế cùng kinh nghiệm đa dạng của các nghệ nhân để tạo nên họa tiết đính kết nhiều chất liệu vải.

Bàn tay khéo léo, tinh tế cùng kinh nghiệm đa dạng của các nghệ nhân để tạo nên họa tiết đính kết nhiều chất liệu vải.

Trong thập niên 1950, người kế nhiệm Francois Lesage thừa hưởng những kỹ thuật gia truyền và tiếp tục nâng cao trình độ bậc thầy của mình trong lĩnh vực pha trộn, cộng hưởng kỹ thuật tạo mẫu truyền thống với các yêu cầu sáng tạo đến từ những tên tuổi lớn Christian Dior, Hubert de Givenchy, Christian Lacroix cũng như Jean-Paul Gaultier. Năm 2002, Lesage gia nhập Chanel để bảo vệ giá trị lâu đời và truyền tải những tác phẩm kinh điển độc nhất của mình đến gần hơn giới mộ điệu toàn cầu. Đối với Chanel, Lesage là một đối tác không thể thiếu và không thể thay thế.

Nhà nghề Lesage đã sớm khẳng định tiếng tăm của mình với những họa tiết mang tính avant-garde, điển hình là họa tiết thêu biểu tượng cung hoàng đạo và vỏ sò.

Nhà nghề Lesage đã sớm khẳng định tiếng tăm của mình với những họa tiết mang tính avant-garde, điển hình là họa tiết thêu biểu tượng cung hoàng đạo và vỏ sò.

 

NHÀ NGHỀ LEMARIÉ – NHỮNG SỢI LÔNG VŨ BẤT TỬ

Ở những năm 1880, thời trang lúc bấy giờ thịnh hành chiếc mũ có đính lông vũ, món phụ kiện tượng trưng cho sự quyền quý của giới quý tộc. Palmyre Coyette đã thành lập một xưởng thủ công chuyên sản xuất lông vũ dành riêng cho y phục thượng lưu và biến studio của bà trở thành cửa hàng về lông vũ hàng đầu nước Pháp. Năm 1946, André Lemarié, cháu trai của nhà sáng lập Palmyre Coyette, chính thức gia nhập vào công việc kinh doanh của gia đình.

201872 chanel hinh02

Ngày nay, Lemarié là nhà thủ công lông vũ duy nhất còn trụ lại sau bao thăng trầm biến đổi. Trước nguy cơ tinh hoa truyền thống vang danh một thời ấy có thể trở thành quá khứ lịch sử, năm 1996, Chanel đã mua lại nhà nghề Lemarié để tiếp tục sứ mệnh giữ vững nghệ thuật tinh túy này. Không chỉ dạn dày kinh nghiệm trong lĩnh vực chế tác lông vũ, Lemarié đã sáng tạo nên những bông hoa trà được Mademoiselle Chanel đặt hàng vào thập niên 1960 – hình ảnh bông hoa trà 16 cánh nhanh chóng trở thành biểu tượng thương hiệu của Chanel.

Các show diễn Métiers d’Art là sự tôn vinh những bậc thầy thủ công, những nghệ nhân hàng đầu, những người luôn ở phía sau góp phần tạo dựng nên sự thành công của những bộ sưu tập lộng lẫy và rực rỡ của nhà mốt hàng đầu nước Pháp.

Các show diễn Métiers d’Art là sự tôn vinh những bậc thầy thủ công, những nghệ nhân hàng đầu, những người luôn ở phía sau góp phần tạo dựng nên sự thành công của những bộ sưu tập lộng lẫy và rực rỡ của nhà mốt hàng đầu nước Pháp.

Her World Vietnam (trích đăng trên tạp chí số tháng 7/2018)

Đừng bỏ qua