Nước Mỹ những năm 1980, hầu như không ai trong thế giới ngầm không biết tiếng tăm của Barry Seal – ông trùm vận chuyển thuốc phiện khét tiếng kiêm phi công, điệp viên CIA lão luyện. Cuộc đời của Barry Seal vô cùng kỳ lạ: là cầu nối đầy bí ẩn giữa chính phủ và thế giới tội phạm, gã vừa thực hiện nhiệm vụ cho CIA lẫn giới buôn ma tuý Colombia nhưng đôi khi lại “dắt mũi” cả những kẻ thuê mình. Lấy cảm hứng từ nhân vật có một không hai trong lịch sử này, đạo diễn Doug Liman cùng ê kíp tài hoa của Hollywood đã thực hiện bộ phim Barry Seal: Lách Luật Kiểu Mỹ (tựa gốc: American Made). Kim Roth thuộc ê-kíp viết kịch bản bộ phim chia sẻ về Barry Seal: “Một điều thú vị là Barry Seal là người theo chủ nghĩa cơ hội nhưng hắn không hề hại ai trong những phi vụ của mình. Hắn bước vào một căn phòng và có thể dễ dàng chiếm trọn cảm tình của tất cả… Đến tận ngày nay vẫn chưa có ai vượt qua được Barry Seal, đây là một nhân vật đặc biệt phức tạp”.
Barry Seal là một nhân vật quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn. Chính vì thế, khi thực hiện bộ phim Barry Seal: Lách Luật Kiểu Mỹ, các nhà làm phim đã dồn mọi tâm huyết chăm chút để có thể “hồi sinh” không khí nước Mỹ thập niên 80 trên màn ảnh rộng cũng như hình ảnh của ông trùm trên màn ảnh.
Thị trấn Ball Ground tái hiện hoàn hảo Mena những năm 1980
Nằm ở tiểu bang Arkansas miền Nam nước Mỹ, thị trấn Mena vốn là một khu vực rất hiền hòa với những người dân lương thiện, dễ mến. Thế nhưng từ khi vợ chồng Barry Seal đến, thị trấn này lại “sóng sánh” những hoạt động ngầm, những phi vụ khổng lồ được phủ sau lớp áo hiền hòa thân thiện. Sở dĩ Barry Seal lựa chọn khu này làm địa bàn hoạt động vì được chọn vì khá yên bình, hẻo lánh. Vào những năm 1980, hắn đã làm “dậy sóng” cả một thị trấn có phần tẻ nhạt với những phi vụ vận chuyển ma túy khổng lồ.
Sau hơn một tháng chuẩn bị, thiết kế sản xuất Dan Weil và bộ phận mỹ thuật của phim đã biến thị trấn nhỏ nằm ở Ball Ground, bang Georgia thành thị trấn Mena. Đây là bối cảnh quan trọng nhất khi tái hiện lại cuộc sống của tay vận chuyển khét tiếng: là tội phạm nhưng trên hết hắn vẫn là một người chồng tốt, người cha tận tụy của gia đình.
Ngay khi vừa nhìn thấy tuyến phố chính ở khu trung tâm của Ball Ground, đạo diễn Liman biết rằng mình đã tìm ra địa điểm hoàn hảo. Các nhà làm phim cũng đã bàn bạc kỹ lưỡng với những nhà chức trách địa phương về kế hoạch biến tuyến đường chính, những tiệm đồ cổ cùng những quán café yên tĩnh của thành phố thành một không gian mang màu sắc hoài cổ hơn nữa. Các thành viên của nhóm thực hiện đã mất tới 5 tháng để hoàn thành công việc này. Để thay đổi hoàn toàn diện mạo của con đường, họ thậm chí còn trải cát ở hai bên lối đi.
Thời trang phong cách cao bồi đúng chuẩn “Mỹ” của Tom Cruise
Khán giả vốn đã quen với hình tượng lịch lãm, sang trọng đúng chất một quý ông của Tom Cruise qua các bộ phim hành động, nhưng trong phim Barry Seal: Lách Luật Kiểu Mỹ, tài tử đã làm người xem phải bất ngờ khi tạm biệt những bộ vest chỉn chu để xuất hiện trong tạo hình có phần xuề xòa hơn. Đầu những năm 80, cánh đàn ông ở miền Nam trông sẽ chẳng hợp mốt chút nào nếu thiếu đi chiếc quần jean bó sát, kết hợp với những chiếc sơ mi may đo vừa vặn, ủng – trông họ y hệt những chàng cao bồi. Từ những phi công được chiêu mộ cho các phi vụ ở Trung và Nam Mỹ cho đến Barry Seal, tất cả đều ăn mặc như vậy.
Khác với hình ảnh bệ vệ ngoài đời thực của nhân vật, Tom Cruise chỉ tăng khoảng 23kg nên vẫn rất “rạng ngời” trong những mẫu thiết kế: bên cạnh những phụ kiện như mọi gã miền Nam khác, Tom còn được thiết kế phục trang Jenny Gering bổ sung cho chiếc máy nhắn tin, cặp kính chuồn sành điệu và áo khoác da cực ngầu.
Vào thời điểm phim chưa ra mắt, tức chỉ mới năm 2015, chiếc áo khoác da màu nâu này đã trở thành món được săn lùng ráo riết. Ngay lập tức, chiếc áo được chào bán rộng rãi với mức giá hơn 4 triệu đồng. Nhiều mẫu trang phục khác mà Tom Cruise mặc trong phim cũng được trang bán hàng online The Take bày bán nhanh chóng nhằm phục vụ người hâm mộ.
Dàn máy bay, xe cổ ấn tượng
Là bộ phim hình sự kịch tính, các cảnh quay rượt đuổi trên không lẫn trên mặt đất đều được các nhà làm phim rất chú trọng. Trong đời thực, Barry Seal cũng sử dụng rất nhiều loại xe để vận chuyển ma túy, vũ khí, bên cạnh những chiếc máy bay khi gã gắn bó với bầu trời như ngôi nhà thứ hai. Chính vì vậy, ê-kíp thực hiện bộ phim đã đầu tư tìm kiếm một bộ sưu tập xe cổ nguyên bản cũng như máy bay để mang đến những cảnh quay sống động nhất.
Chuyên gia dàn dựng các cảnh quay trên không Frederic North đã sử dụng một số chiếc máy bay vintage được chế tạo vào khoảng thời gian 1967 – 1985 ở đủ các hình dáng, kích thước và công suất khác nhau. Trong suốt quá trình ghi hình, Tom Cruise đã tự mình điều khiển cả 2 chiếc Aerostar 600 với 6 chỗ ngồi và chiếc Cessna 414.
Vốn luôn ấn tượng với khả năng có thể điều khiển thuần thục nhiều loại phương tiện khác nhau của Tom Cruise, đạo diễn Liman nhận xét: “Tom đã tự mình thực hiện tất cả các pha bay lượn. Anh ấy thậm chí còn điều khiển một trong số những chiếc máy bay sang tận Colombia, đó chính xác là những gì mà Barry đã từng làm. Tuy nhiên, Barry có mang theo nhiên liệu dự phòng, còn Tom thì lại tiếp nhiên liệu tại những chặng dừng ở dọc đường đi của mình. Anh ấy sẽ phải bay lên hạ xuống liên tục, giống như một chú ếch vậy. Tôi thì không làm thế, tôi lái chiếc Delta”.
Là con người của thách thức, một diễn viên luôn tự làm mới mình, Tom Cruise chính là cái tên bảo chứng cho sức hấp dẫn của Barry Seal: Lách Luật Kiểu Mỹ. Người hâm mộ hoàn toàn có quyền kỳ vọng nam tài tử sẽ mang đến hình tượng ông trùm kiêm điệp viên ấn tượng cùng những pha hành động kịch tính, gay cấn trong nhiều bối cảnh – vốn đã là sở trường của anh.
Hãy cùng chờ xem Tom Cruise sẽ từ bỏ hình tượng người hùng quen thuộc để tái hiện chân dung và cuộc đời ly kỳ, nhiều biến động của một trong những nhân vật gây tranh cãi hàng đầu trong lịch sử Mỹ những năm 80 thế nào.
Bộ phim Barry Seal: Lách Luật Kiểu Mỹ dự kiến khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 25.08.2017.
Her World Vietnam