Chúng tôi hạ cánh xuống thủ đô La Habana lúc 8h tối. Hòn đảo xinh đẹp hình chú cá sấu đang ngái ngủ đón chúng tôi bằng vô vàn ánh đèn skyline nhấp nháy và dòng xe chạy như mắc cửi.
Hai cô gái châu Á da vàng mũi tẹt lập tức thu hút ánh nhìn từ sân bay cho tới suốt đoạn đường về khách sạn. Nỗ lực ăn mặc như người bản xứ (áo 2 dây và quần shorts), nói chuyện như dân địa phương (theo học lớp tiếng Tây Ban Nha cơ bản) gần như “đổ sông đổ bể”. Đâu đâu chúng tôi tới là nơi đó có người ra tranh thủ bắt chuyện, làm quen, mời mọc đi nhảy salsa và thậm chí là được các chàng trai Cuba sở hữu làn da rám nắng mời làm “bạn gái”. Nhờ những người bạn mới quen ở hostel, người dân Cuba nồng hậu hay thậm chí là những người nước ngoài đã trót “yêu” Cuba quá và quyết định định cư ở đây, chúng tôi đã ghi lại được một số bí kíp dành cho các cô gái khi muốn du lịch ở đất nước Latin này.
TIÊU TIỀN NỘI ĐỊA: CUP VÀ CUC
Cuba có hai hệ thống tiền tệ song song: đồng peso chuyển đổi (CUC) và đồng tiền peso nội địa (CUP) với tỷ giá 1 CUC = 25 CUP. Dù chính phủ Cuba đã nhiều lần tuyên bố sẽ hợp nhất hai hệ thống này nhưng có vẻ từ tuyên bố đến thực tế sẽ còn khá lâu. Giá cả ở trung tâm và những nơi dành cho du khách thường được niêm yết bằng CUC, còn người Cuba dùng peso nội địa. Với tỷ giá gần như ngang giá giữa CUC và USD, chỉ có du khách giàu có đến từ châu Âu và Bắc Mỹ là không ngừng tấm tắc khen Cuba “rẻ”. Còn chúng tôi đã sửng sốt khi bắt gặp các nhà hàng ở trung tâm bán một bữa ăn 3 món với giá thấp nhất là 8 CUC (8 đô-la Mỹ).
Cho tới một ngày lạc vào một khu vực xa trung tâm, nơi vắng bóng khách du lịch người nước ngoài, chúng tôi vô tình bước vào một nhà hàng địa phương và hạnh phúc khi khám phá ra một bữa ăn đầy đủ salad, món chính và tráng miệng chỉ vỏn vẹn chưa đến 50 peso nội địa tức là khoảng 50 nghìn đồng. Khác xa với khu trung tâm đông đúc, những nhà hàng này chỉ niêm yết giá bằng đồng peso nội địa với mức giá chỉ bằng 1/5 so với các nhà hàng đắt đỏ dành cho du khách. Đương nhiên không khí ở đây đậm đặc vị Cuba hơn với âm nhạc, con người và cách bài trí đặc thù của hòn đảo Caribe xinh đẹp. Đồ ăn của Cuba cũng rất đậm đà với nhiều món thịt nướng, gạo nâu trộn với đậu đen (moro) và hải sản tươi ngon dù một số mặt hàng như thịt bò và tôm hùm do nhà nước kiểm soát gần như chỉ dành cho du khách hạng sang và hiếm khi được bày bán công khai cho người dân địa phương.
Riêng với các cô gái thì “sweet tour” ở Cuba là một thú vui khó có thể cưỡng lại. Bạn có thể mất hàng giờ lang thang khắp thành phố thưởng thức các món đồ ngọt mà xứ này sở hữu. Nào là nước trái cây (jugo) với hàng chục vị như me, ổi đào, xoài; nào là kem với giá tương đương từ 1.000 đồng ở Coppelia, thương hiệu kem có tiếng của nhà nước, hàng chục loại bánh ngọt và đồ snack đa dạng như da heo chiên giòn, bánh quy dừa thơm lựng… Hai đứa vừa ăn vừa tự an ủi rằng về nhà sẽ tập thể dục để cho phép mình được ăn ngọt thả phanh ở Cuba.
CHUYỆN BẮT TAXI
Rất nhiều cẩm nang đã nhắc tới việc đi nhờ xe ở Cuba và có ghi là “thường miễn phí”. Chúng tôi cũng đã hào hứng thử bắt xe kiểu này và nhận ra là không có gì là miễn phí cả. Tuy vậy, bắt taxi và “share” tiền xe với những người lạ đã trở thành một trong những thú vui của chúng tôi trong những ngày ở đất nước này.
Trên đường phố ở các thành phố lớn như La Habana, Santiago… những chiếc taxi maquina thất thập cổ lai hy của các thương hiệu danh tiếng tiếng như Pontiac, Chevrolet… kiêu hãnh đứng xếp hàng và không hề có một bảng giá cụ thể nào cả. Cước phí xe phụ thuộc vào quãng đường, có bao nhiêu người đi cùng và nhất là “tâm trạng” của tài xế. Đây cũng là điểm mà chúng tôi khai thác triệt để khi đi du lịch ở Cuba với túi tiền eo hẹp. Ngày mưa gió, gặp được anh tài xế vừa chia tay người yêu, chúng tôi nở nụ cười quyến rũ nhất có thể nên được giảm giá một nửa so với mức ban đầu anh đưa ra để đi về trung tâm. Ngồi trên xe giữa tiếng nhạc salsa xập xình, anh vô tư kể lại cuộc đời cực kỳ màu sắc và cuộc chia tay lâm li của anh. Với vốn tiếng Tây Ban Nha bập bõm, chúng tôi hoàn toàn có thể được coi là những người biết lắng nghe và thấu hiểu tuyệt vời.
UỐNG RƯỢU RUM KHI TẮM BIỂN
Hình ảnh thường thấy của người dân Cuba khi đi tắm biển là một tay cầm điếu xì-gà, tay kia cầm một ly rượu rum. Biển Cuba thì khỏi cần nói ai cũng biết là “tuyệt cú mèo”. Chưa nơi đâu tôi đến mà bãi biển lại có chất lượng “đồng đều” như ở đây. Từ Varadero, một trong 10 bãi tắm đẹp nhất hành tinh cho tới La Playa Blanca, một bãi tắm nhỏ xíu ở rìa thị trấn Baracoa ở cực Đông Cuba, cát nơi đâu cũng trắng mịn, nước biển Đại Tây Dương xanh biếc và mây trời lúc nào cũng như sẵn sàng rơi tự do mơn man những bãi cát trải dài.
Ngoài thương hiệu rượu rum xuất khẩu quốc hồn quốc túy được sản xuất ở Santa Cruz del Norte, có rất nhiều địa phương ở đây còn tự sản xuất thương hiệu rum của riêng mình như Santiago, Baracoa. Rượu rum ở đây có thể uống chay, pha Cuba Libre, món cocktail nổi tiếng của Cuba gồm rum pha chanh, hút với xì-gà và độc đáo hơn là pha với cà phê để ra món café con licor (cà-phê pha rượu) uống vừa êm êm, tê tê đầu lưỡi vị ngọt pha với vị đắng dìu dịu của cà-phê, khiến cho người uống như say mà không phải say. Chỉ biết là cảm giác muốn uống thêm cho đã, cho phê hơn và… dễ ngủ hơn.
Là hai cô gái châu Á duy nhất trên bãi biển Santa Maria ở La Habana, chúng tôi cũng đã dễ dàng kết bạn với hai anh chàng Cuba cực kỳ dễ mến. Charlie làm DJ trong quán bar và Carlos hiện đang học tiếng Anh để qua đoàn tụ với gia đình ở Mỹ. Cả hai đều rất muốn làm quen với người nước ngoài để tập nói tiếng Anh và họ có thể nói là “phát cuồng” về nước Mỹ. Hai anh chàng đã mời chúng tôi cùng thưởng thức rượu rum và xì-gà Cuba khi đang dập dềnh trên biển. Được nghe những mẩu chuyện rất “đời” của họ cũng làm tôi cảm thấy vị xì-gà và rượu rum như đượm và khó quên hơn.
SALSA TRÊN ĐƯỜNG PHỐ
Bạn tôi lắc đầu quầy quậy khi được rủ đi nhảy salsa trong bar hay quán rượu. Nhưng đến khi gặp một ban nhạc đang chơi trên vỉa hè hay quán bar, tất cả không thể ngừng lắc lư và vui vẻ quan sát các những người lớn tuổi cho đến thanh niên Cuba đắm mình trong âm nhạc như thế nào.
Đã nhiều lần được xem trên YouTube về những cụ ông, cụ bà nhảy salsa ở La Habana nhưng tôi vẫn không thể tin vào mắt mình khi được thấy các bô lão say sưa thả hồn theo nhạc và còn “máu” cả hơn thanh niên. Trái ngược với kỳ vọng của mình, tôi thấy rằng thanh niên Cuba hiện giờ không còn tự do nhảy trên đường phố như trong các cuốn cẩm nang du lịch nữa. Họ dè dặt hơn khi xuất hiện trên đường phố, cư xử có chừng mực hơn khi có người nước ngoài và chỉ thực sự là mình khi ở cùng bạn bè hoặc gia đình.
Điều thích nhất khi đi du lịch Cuba là được mời dự các bữa tiệc gia đình. Khi đến Baracoa, thị trấn cổ xưa nhất và là kinh đô đầu tiên của Cuba, chúng tôi được một gia đình mời vào tham gia bữa tiệc liên hoan của họ. Đó thực sự là bữa tiệc đúng nghĩa nhất mà tôi đã từng tham gia. Đó là nơi bạn có thể quan sát người dân Cuba đúng như bản chất của họ. Không có những anh chàng bartender lả lướt mời chào lộ liễu, không phải tặc lưỡi gọi những ly mojito hay pina colada giá cao ngất ngưởng, chỉ có không khí thân tình giữa những con người mới gặp, của lòng hiếu khách thực thụ, của tình thân hữu và rộng rãi mở cửa đón tiếp khách với tất cả những gì có trong gia đình: chuối chiên, rượu nhà làm, những điệu salsa bốc lửa và những điếu xì gà đậm đà truyền tay nhau. “Chất” salsa Cubana ở các bữa tiệc này đảm bảo sẽ khiến bạn ngất ngây hơn nhiều màn biểu diễn được dàn xếp trên đường phố. n
BÍ KÍP CỦA NICOLE NGUYỄN
– Bạn nên mang euro vào Cuba để đổi do tỷ giá euro với tiền đồng đang tốt nhưng euro lại khá được giá ở Cuba. Đồng đô-la Mỹ khi đổi sang tiền Cuba sẽ bị đánh thuế 10%.
– Các mặt hàng tiêu dùng như giấy vệ sinh hay đồ dùng cá nhân ở Cuba khá đắt, bạn nên mang theo để dùng trong suốt thời gian du lịch.
– Người dân Cuba ăn khá ít rau và dùng nhiều đồ ngọt nên bạn cần mang theo vitamin và uống nước ép thường xuyên để bổ sung vi chất. Nước máy ở Cuba khá nhiều calcium, nếu không quen bạn nên mua nước đóng chai để uống hoặc mua viên lọc nước để khử calcium trước khi dùng.
– Khí hậu Cuba mang đặc trưng của vùng biển Caribe, nắng nhiều nhưng có gió biển nên khá mát mẻ. Bạn nên mang đồ mỏng và mát khi đi du lịch. Từ tháng 6 trở đi là mùa mưa nên mang theo áo mưa, ô và một chút quần áo lạnh là đủ dùng.
– Nhà hàng đề biển criolla, paladar hoặc niêm yết giá bằng tiếng Tây Ban Nha là nhà hàng dành cho khách địa phương. Họ không ghi rõ giá là CUC hay CUP nên bạn cần hỏi trước. Đa phần nếu giá cao hơn 5 đồng thì thường là giá CUP do đó giá đồ ăn cũng rẻ hơn nhiều nơi dành cho du khách.
– Mang theo bộ chuyển điện vì Cuba dùng chấu vuông và nguồn điện chủ yếu là 110V.
Her World Việt Nam
BÀI: NICOLE NGUYỄN.