Trở thành cây bút trẻ

Chưa bao giờ những người thích viết lại có nhiều cơ hội như bây giờ. Chỉ cần có đam mê, chịu khó trau dồi ngòi bút, bạn sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ để xuất bản sách

Bước vào một nhà sách lớn, tôi phát hiện kệ sách bên ngoài, thường để những tác phẩm nổi tiếng, bán chạy vừa mới trưng bày khá nhiều sách của những cái tên Việt Nam lạ. Lạ vì tác giả không phải là nhà văn.

Nếu như trước đây, những người thích viết lách dùng blog để mang đam mê của mình đến bạn đọc thì giờ đây họ in sách. Ngoài việc đưa tác phẩm của mình đến độc giả một cách danh chính ngôn thuận, việc phát hành một cuốn sách chính là điều tuyệt nhất để đánh dấu một thời trẻ tuổi xông pha, là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp cầm bút. Họ, không nhận mình là nhà văn trẻ mà chỉ xem viết là một cuộc dạo chơi thú vị, để thỏa lòng đam mê.

SỰ TRỖI DẬY CỦA CÁC CÂY BÚT TRẺ

nguoidibannangAI

 

Cách đây vài năm, chúng ta đã chứng kiến trào lưu viết văn trên mạng. Blog đã mang đến nhiều nhà văn trẻ từ thế giới ảo. Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của họ đến đời sống văn học Việt Nam. Sau một thời gian dài chứng kiến sự lấn sân của các tác phẩm văn học ngoại, những người đọc sách hầu như quay lưng lại với các tác phẩm của nhà văn trong nước, nhưng sự xuất hiện của những người viết trẻ đã khiến thế giới sách Việt Nam sôi động trở lại.

Không ít những tác phẩm vừa có mặt trên kệ sách đã được tái bản nhằm đáp ứng nhu cầu của người đọc. Trong danh sách năm cuốn sách bán chạy nhất (best-seller) năm 2012 của website bán sách online www.tiki.vn, có hai cái tên còn rất trẻ, Anh Khang với tản văn Ngày trôi về phía cũ và Hamlet Trương với Thương nhau để đó. Điều này cho thấy độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ không hề quay lưng với tác phẩm của những cây bút rất trẻ.

RA SÁCH CÓ DỄ?

FA_Bia Ai Roi Cung Khac

Phải thẳng thắn thừa nhận việc ra sách giờ đây không khó. Nếu tác phẩm của bạn tốt, các nhà xuất bản sẽ tự động liên lạc và đề nghị hợp tác. Một số nhà xuất bản lớn như Công ty sách Phương Nam, Nhà xuất bản Trẻ, Bách Việt, First News có riêng bộ phận đi phát hiện và tìm kiếm những cây bút trẻ. Thậm chí, bạn cũng có thể bỏ ra một khoản tiền để tự ra sách theo ý của mình. Với sự đỡ đầu của các nhà xuất bản, việc ra sách trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Công ty sách Phương Nam, một cái tên quen thuộc của nhiều tác giả trẻ, cho biết các bản thảo đến với Phương Nam bằng nhiều con đường. Người thì được giới thiệu từ những người đã từng hợp tác với Phương Nam, có người gọi điện thoại hỏi và gửi bản thảo qua e-mail. Sau khi nhận bản thảo, ban nội dung của Phương Nam sẽ tiến hành thẩm định, đánh giá, xem xét có phù hợp với tiêu chí của nhà xuất bản không. Nếu thích hợp sẽ được ra sách.

chenh venh hai lam nguyen ngoc thach

Ra sách rất dễ nhưng chất lượng sách lại là một điều đáng để bàn luận. Một số tác giả trẻ quyết định chọn những đề tài gây tranh cãi như đồng tính, “sex” để khai thác và viết bằng thứ văn chương câu khách rẻ tiền. Chính vì điều này mà việc ra sách ồ ạt của nhiều tay viết khác cũng bị đánh giá. Bên cạnh đó, chủ đề các cây bút trẻ nhắm đến là tản văn, truyện ngắn, những điều uẩn ức trong cuộc sống và gần đây là bút ký những chuyến đi. Việc chọn những chủ đề đơn giản này khiến một số cuốn sách chỉ vỏn vẹn vài chục trang giấy, đọc lên na ná nhau và trôi tuột khỏi đầu khi đọc xong.

Nhà văn – nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên, người dành rất nhiều tình cảm và đỡ đầu cho nhiều cây bút trẻ nhận xét: “Khi các lớp nhà văn đi trước chạm vào một thực tế là sức khỏe kém, sức viết yếu đi thì việc tìm tòi lớp nhà văn kế thừa là cần thiết. Việc các nhà xuất bản “chiều chuộng” những người viết trẻ khi in sách cho họ phần nào đáp ứng nhu cầu trên. Tuy nhiên, không phải cuốn sách nào in ra cũng xứng đáng được gọi là “tác phẩm”. Nhiều cuốn chỉ là tiểu phẩm và các loại tạp bút này thường bị chìm lỉm giữa vô vàn cuốn sách như thế”.

VIẾT SÁCH KHÔNG PHẢI LÀ ĐẶC QUYỀN CỦA NHÀ VĂN

em la de yeu_phan y yen

Viết sách là một cách lưu giữ những cảm xúc, suy nghĩ, ký ức, khát vọng… của mình về mọi điều trong cuộc sống. Nếu những người có giọng hát tốt có các cuộc thi truyền hình để thể hiện tài năng thì những người viết sách có các nhà xuất bản, có độc giả. Đừng sợ câu chuyện của mình không được đón nhận, không thu hút, sách của mình không trở thành best-seller khi bạn chưa thử. Vậy nên, nếu bạn tin rằng mình có khả năng viết lách, những câu chuyện của mình xứng đáng được chia sẻ, hãy thỏa sức sáng tạo với chữ nghĩa, hãy cứ viết, cứ nuôi dưỡng ước mơ và quyết tâm của mình. Các nhà xuất bản và bạn đọc vẫn đang chờ bạn.

Nhà văn – nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên, người luôn sẵn sàng đỡ đầu cho các cây bút trẻ

Ngoc-lien

Quan điểm của tôi là các bạn trẻ muốn viết tốt thì phải có cảm xúc với ngòi bút của mình. Nghĩa là không nên bạ đâu viết đấy, bất cứ vấn đề gì cũng muốn nói lên cảmnghĩ của mình. Khuyết điểm của các bạn là việc giao nhập với cuộc sống còn hạn chế, kinh nghiệm cuộc đời chưa được bao nhiêu. Vì thế, câu chữ bạn viết ra sẽ nói lên kiến thức, tính cách và quan niệm còn nông cạn của bạn. Có thể đúng trong vài vấn đề và cũng có nguy cơ sai rất nhiều ở các vấn đề khác.

Muốn viết giỏi, bạn phải nắm vững kiến thức của mình. Trái với bạ đâu viết đấy, bạn hãy đọc thật nhiều, gì cũng đọc. Đọc để tự đánh giá xem mức độ thẩm thấu của mình đến đâu, mình cảm nhận sự việc ấy như thế nào. Vì sao cuốn sách này hấp dẫn, lôi cuốn bạn còn cuốn sách khác lại khiến bạn bỏ ngang nửa chừng? Qua đó, bạn sẽ thấy mình phù hợp với thể loại viết nào nhất và chuyên tâm vào cách viết ấy để tự khẳng định mình trong thời điểm ấy.

Đọc cũng là việc thu nạp kiến thức, cho thấy bạn đã biết gì, chưa biết gì, cần điều gì? Đây là “công việc” mà một người cầm bút phải làm trong suốt cuộc đời họ, không ngừng nghỉ. Bởi nếu bạn không đọc một thời gian, bạn sẽ bị tụt hậu, thành một loại nhà văn “ếch ngồi đáy giếng”.

Một điều quan trọng hơn hết là chữ tâm. Khi đặt bút viết, bạn hãy hỏi mình viết để làm gì? Nếu viết để tìm nhuận bút kiếm sống, bạn chỉ là thợ viết. Nếu viết với mục đích nổi danh, bất chấp hậu quả, bạn chỉ là bồi bút.

Chỉ khi nào những câu chữ bạn viết ra mang lại một thông điệp có ích cho nhiều người, ảnh hưởng tốt đến nhiều người, lúc đó bạn hãy tạm cho mình đã được đứng vào hàng ngũ những người cầm bút có tâm. Việc bạn đứng lâu hay sẽ bị đào thải còn tùy thuộc vào giá trị ngòi bút của bạn mang lại. Những chữ “nhà văn, nhà thơ, nhà báo” cao quý đứng trước tên tuổi của bạn sẽ chỉ được công nhận sau rất nhiều công sức lao động tâm trí miệt mài của bạn, không phải sau cuốn sách mà bạn vừa được in.

Her World Việt Nam

BÀI: THƯ NGUYỄN.

Đừng bỏ qua