Những bước chân của Trương Thị May

Bạn sẽ nói gì về cô gái trong bức ảnh này? Nếu bảo cô xinh đẹp, đấy mới chỉ là phần bề nổi của cô. Phần chìm ẩn bên trong, phía sau cô, mới thật dày dạn và lạ lùng.

Hôm qua, cô ấy là một thiếu nữ Kh’me đen cháy, buồn buồn trong những bộ quần áo xoàng xĩnh, Tết đến vẫn mơ ước về một bộ cánh mới cho mình, cho mẹ và các em. Hôm nay, cô ấy là một cô gái “đẹp lạ” với nước da nâu láng mịn và vẻ mặt nửa Á, nửa Âu. Cô hờ hững khoác lên mình những bộ cánh hạng nhất của những nhà thiết kế hàng đầu trong nước. Tết đến, cô ấy chẳng màng mua quần áo mới vì quanh năm đã phát mệt với xiêm y, áo xống mặc vào, thay ra suốt ngày.

Hôm qua, cô ấy trải những bước chân mỏi mệt trên khắp ruộng đồng, trên khắp thương hồ, trên con đường theo mẹ mưu sinh. Tiếng rao hàng rong của cô lảnh lót khắp chốn chợ búa, bến xe, mặt lộ. Cô ấy mơ ước kiếm được mỗi ngày vài chục nghìn phụ mẹ nuôi đàn em bốn đứa nheo nhóc trong cảnh mẹ góa con côi, khi mình là chị cả.

 

Cô ấy là Trương Thị May, 21 tuổi, người mẫu

Hôm nay, những bước chân của cô ấy sải dài đầy kiêu hãnh, tự tin trên sàn catwalk. Những đôi mắt trước kia không bao giờ thèm hạ cố nhìn đến kẻ bần hàn giờ ngước nhìn cô ao ước, ngưỡng mộ. Người ta trả tiền cho mỗi bước chân cô đi. Với một buổi chụp ảnh quảng cáo, số tiền cô kiếm được đủ cho cả đại gia đình cô sống trong một tháng, thậm chí một năm.

Hôm qua, chân trời xa xôi nhất cô mơ ước được đặt chân tới là Sài Gòn. Hôm nay, cô nghiễm nhiên trở thành nhân vật không thể thiếu của làng thời trang, nhan sắc của trung tâm thời trang cả nước này. Cô đã đi hàng chục nước trên khắp thế giới, đi diễn và hành hương.

Hôm qua, không ai biết đến cô ngoại trừ những người thân thích trong gia đình, chòm xóm. Hôm nay, chỉ cần một hoạt động mới, một biến cố nhỏ xảy đến với cô, báo chí đã tới tấp đưa tin.

Hôm qua, cả nước xôn xao trước lời tố cáo của một người có chức vụ rằng cô khai man dân tộc, cô gian lận trình độ văn hóa. Vụ việc của cô trở thành tâm điểm thời sự. Cô gái 19 tuổi khóc ngất, muốn gục ngã trước đòn roi dư luận. Cô nghĩ người ta muốn hất ngược mình trở lại với xuất thân hèn kém, trở về với nước mặn đồng chua.

Hôm nay, cô ấy gạt nước mắt, nở nụ cười tươi, đón nhận danh hiệu á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, đến ngay sau danh hiệu á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh. Vững tin vào bản thân, là trăng, dù có bị mây đen che phủ, nhưng mây tan đi, trăng vẫn là trăng.

“Lòng ngay thật không sợ lời thị phi”, sư phụ cô, mẹ cô dạy như thế. Việc của cô là giữ lòng ngay thật, hôm qua như thế và hôm nay cũng thế.

Sau khi trở thành người mẫu chuyên nghiệp, cô ấy không dừng bước chinh phục của mình lại, dù chỗ đứng của cô hôm nay đã quá xa so với nơi xuất phát, dù trong lòng thầm tự hào, mãn nguyện. “Mình hôm nay phải hơn ngày hôm qua. Mình ngày mai phải hơn ngày hôm nay”, cô ấy luôn thầm nhủ như thế. Cô cứ từng bước tiến lên, nhẫn nại, không nhìn quá xa, không trông lên quá cao. Cô bước bước nào, nhìn bước nấy; bước một bước, biết là thêm một bước. Cô không sốt ruột, không tìm cách đi tắt, đón đầu. Với cô ấy, quan trọng nhất là đi chăm chỉ, đi mỗi ngày và không dừng lại.

Vẫn làm người mẫu, nhưng cô còn đóng phim và vừa hoàn thành khóa học dài ngày để trở thành chuyên viên trang điểm. Cô đi học tiếng Anh mỗi ngày, chăm chỉ, nghiêm túc như một học sinh phổ thông. “Tôi có những ước mơ không lớn lao lắm, nhưng muốn làm được cần phải có kiến thức. Bây giờ, tôi còn trẻ, gắng làm, gắng học hết “năng suất” kẻo về sau lại khổ”, cô thổ lộ.

21 tuổi, cô làm đầu tàu kéo theo sau mình cả đại gia đình gồm mẹ, đàn em, bà ngoại nhưng luôn thấy cô cười tươi: “Tôi hạnh phúc lắm. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất khi làm người mẫu là tôi có tiền lo được cho bản thân và gia đình”. Rồi cô nói thêm: “Thường xuyên được mặc đồ mới, đồ đẹp cũng rất thích”.

Trương Thị May cùng các Phật tử trong khóa tu mùa hè 2009

Trương Thị May cùng các Phật tử trong khóa tu mùa hè 2009

 

Hôm qua như thế và hôm nay cũng thế

Ở trên là những thay đổi khó hình dung nổi với một cô gái mới lớn. Cả cô và mẹ đều lơ ngơ khi ngày đầu đặt chân đến Sài Gòn. Và thông thường, với những “cú” thay đổi đột ngột có gia tốc lớn như vậy, người ta không khỏi bị hẫng, bị chóng mặt, bị mất phương hướng. Nhiều người bị cuốn hút đi, mất tăm tích trong cái vòng xoáy hào quang, phù hoa đó, nhất là với một thiếu nữ người dân tộc thiểu số và một bà mẹ nông dân truyền đời.

Nhưng May và mẹ cô là một ví dụ cho ngoại lệ. Có rất nhiều điều, hôm qua cô là thế và hôm nay cô vẫn thế. Trong đó, có nhiều điều người ta bảo gạt bỏ nó đi vì chúng là những trở ngại trên con đường “bay vào thế giới ánh sáng” của cô. Cô chỉ cười hiền, khép đôi lông mi dày, dài rợp mắt che giấu ánh nhìn trong veo và hoang vu đặc trưng của người Kh’me.

Hôm qua cô là Phật tử thuần thành, truyền từ đời bà cố qua bà ngoại, qua mẹ rồi đến cô. Hôm nay cô vẫn thế.

Hôm qua cô là người ăn chay trường. Hôm nay cô vẫn thế. Dự những buổi tiệc chiêu đãi có thực đơn lên đến hàng trăm món ở những khách sạn năm sao, dù ở nước này hay nước khác, cô cũng chỉ xin cho mình một bát cơm trắng, một chút xì dầu và một đĩa rau xanh.

Bao nhiêu lễ hội, tiệc tùng, gặp gỡ của giới chân dài, dịp nào tránh được, cô tránh hết. Nếu phải có mặt, cô vẫn một mình một thực đơn ba món.

Hôm qua, mỗi ngày cô thức dậy từ năm giờ, quay mặt về phương Phật lạy đủ 108 cái rồi mới bắt đầu hoạt động của một ngày mới. Tối đến, cô niệm Phật rồi mới đi ngủ, kết thúc một ngày. Hôm nay cô vẫn thế, không vì bất cứ lý do nào mà bỏ lễ.

Hôm qua, hễ có thời gian rảnh, việc cô thích làm nhất là cùng mẹ lên chùa tụng kinh, lễ Phật, thăm sư phụ, thăm hai em đang tu ở chùa. Hôm nay cô vẫn thế.

Hôm qua, cô mơ ước đưa mẹ đi hành hương khắp nơi trên thế giới này. Hôm nay, cô đã cùng mẹ và sư phụ đi lễ Phật được hàng chục nước. Và nơi đến cô mơ ước nhất, cho là nơi chốn phải đến trước khi chết, là đất Phật Ấn Độ.

Hôm qua, cô chi tiêu phải cân nhắc từng đồng, làm gì cũng nghĩ đến bà ngoại, đến mẹ, đến em. Hôm nay, cô vẫn thế, hết sức giản dị trong ăn mặc và chi tiêu. “Trên sàn diễn, tôi mặc đồ đẹp, đồ đắt tiền đủ rồi”, cô nói.

Hôm qua, cô đi đâu, làm gì cũng luôn có mẹ. Mẹ là mẹ, là cha, là bạn thân của cô. Hôm nay vẫn thế. Dù đến tuổi cập kê, cô vẫn như hình với bóng bên mẹ của mình.

Hôm qua, cô đi thi hoa hậu, người đẹp là vì dân tộc mình. Cô muốn người ta biết đến vẻ đẹp của người con gái Kh’me. Cô muốn người Kh’me kiêu hãnh, tự hào về sắc tộc của mình. Hôm nay, cô vẫn nói: “Tôi muốn người ta biết đến tôi, nói về tôi là một người mẫu Kh’me, một Phật tử thuần thành”.

Có thể cô không biết tới điều này hay dùng bản thân mình chứng minh cho điều này, nhưng những gì cô làm được, cô gìn giữ được đã tự thân nó nói lên: Giá trị con người cũng ngang với dòng dõi (nếu không muốn nói là hơn).

BÀI: HẢI NHI. ẢNH: DL DUY. TRANG ĐIỂM: MINH LỘC

THEO HER WORLD

Đừng bỏ qua