Nhà thiết kế Li Lam: “Cái đẹp đến từ cốt cách”

Không ít người hiểu tường tận về Li Lam – nhà thiết kế có quan điểm lạ về cái đẹp và luôn tạo ra những sản phẩm thời trang khác biệt. Ở bài viết này, một góc nhìn khác về cô sẽ được hé lộ: không ham danh xưng và ngày càng lặng yên trong tâm hồn

Lam trả lời câu hỏi: “Theo Lam, cái đẹp bắt nguồn từ đâu?” để bắt đầu buổi trò chuyện.

Khi nhận được chủ đề của Her World tháng Mười: Beauty, và nhân vật lần này là nhà thiết kế Li Lam, tôi tự hỏi: “Làm sao để phỏng vấn, để viết về một người phụ nữ mà gần như những gì có thể khai thác đã có đầy đủ trên cả báo giấy lẫn website?”.

“THÌ MÌNH CỨ TRÒ CHUYỆN GIẢN ĐƠN THÔI!”

Trong nhận thức cá nhân, mỗi người đều có cho mình một định nghĩa về “đẹp” rồi từ đó hình thành nên suy nghĩ: thế này mới là đẹp, thế kia chưa đẹp lắm… Thật ra, dù quan niệm thế nào, tất cả cũng chỉ gói gọn trong phạm trù cá nhân. Vậy nên, với một người bình thường, định nghĩa về cái đẹp có phần đơn giản, với người đang làm công việc “tạo nên và định hình cái đẹp” lại là câu chuyện khác.

Bất kỳ nhà thiết kế nào cũng cố gắng xây dựng trong tâm trí mình một thế giới, ở đó không cần mặt hồ hay gương phẳng, vẫn phản chiếu rõ ràng chính bản thân họ. Giữa rất nhiều lấp lánh, Lam lọt thỏm vào tinh cầu thời trang với mảnh đất thuần khiết của riêng mình: tự nhiên, bản năng và chân thật.

“Có người đi event, mặc một chiếc đầm đuôi cá và họ thấy đẹp. Lam cho rằng cái đẹp tỏa ra từ cốt cách, tâm hồn, ánh nhìn chứ không đơn thuần chỉ là trang phục. Cái đẹp của Lam lặng yên hơn, không đến từ hình thức, không chỉ nhìn là thấy mà bạn phải cảm được”.

Tôi hỏi Lam về sự lặng yên trong cái đẹp, khi mọi ngôn từ được cất giấu đi thì chắc chắn nó phải được dẫn truyền bằng một hình thức khác. Không nhiều người chọn sự im lặng để chờ đợi mọi người tìm hiểu và cảm nhận nét đẹp của mình, nhất là khi chúng ta đang tiến lên từng ngày, sống rất nhanh, những buổi gặp mặt vội vã có khi chỉ vừa nhấp môi chạm vào ly rượu đã phải đến nơi khác, với một cuộc hẹn khác. Tương tự, để duy trì nét đẹp tự thân, giữa những hỗn loạn và ồn ào, một nhà thiết kế tự khoanh vùng mảnh đất của mình rồi kiên nhẫn đi đoạn đường mình cho rằng sẽ thành công, chỉ có thể là Lam.

li lam1

CÁCH VƯỢT QUA NHỮNG RỦI RO CHÍNH LÀ PHẢI HIỂU RÕ BẢN THÂN MÌNH

“Cái đẹp phải truyền từ người này sang người khác. Bạn không thể mãi nói “tôi đẹp” khi sự cảm nhận thuộc về người đối diện chứ không phải từ bạn. Tất nhiên, bạn phải chọn cuộc sống như thế nào thì mới có thể đưa đến người khác giá trị đó. Bạn yêu thiên nhiên thì mới làm người khác yêu thiên nhiên như mình”.

Lam khiến tôi nhớ tới một bài phỏng vấn khác, có câu: “Cái đẹp rất riêng tư”. Trong sự riêng tư của chính mình, Lam chọn gieo trồng một nhành hoa. Nó sẽ lớn lên từng ngày, tỏa hương rồi nảy mầm để dần dần trở thành vườn hoa. Gieo một nụ hoa nghĩa là sắp đón nhận một mảnh vườn, nhưng giả như, ngay cả khi chúng ta chọn được nơi để bắt đầu và lớn lên thì sóng gió vẫn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Lam chọn con đường của riêng mình, chọn đối tượng khách hàng của mình, chấp nhận hạn chế về sự đón nhận của mọi người dành cho mình. Phải chăng Lam sẽ không bước ra ngoài kia để hòa mình vào đám đông?

li lam2

“Tất nhiên rồi. Bạn cảm nhận được cái đẹp rõ ràng nhất khi gặp khó khăn. Còn hơn là: Lam sống là là, ngày nào cũng phải thế này thế kia. Lam không vật lộn được với xã hội bên ngoài mà phải loay hoay với chính mình. Tại sao phải như thế? Trong khi dù cuộc sống có tốt đẹp hay không thì người “tiêu hóa” mọi thứ cũng chỉ là chính Lam”. Sự cảm thụ cái đẹp từ chính trải nghiệm mang tính cá nhân một cách sâu sắc được Lam vận dụng vào việc định hình và phát triển thương hiệu mang tên mình. Thoạt nhìn rất đơn giản nhưng ẩn giấu bên trong là sự hỗn tạp, những tính toán, sắp xếp có cấu tứ để nhìn vào chỉ thấy sự tự nhiên. Tôi gọi đó là “hỗn tạp có trật tự”. Ai đó bước vào cửa hàng của Lam sẽ không thể quên hương thơm dịu dàng, lạ lùng rất say mê, những nhành hoa, ngọn cỏ, những postcard ngẫu nhiên nhưng tổng thể được mặc định là “một điều gì đó rất Lam”.

Bên trong người phụ nữ sở hữu vẻ đẹp bất cần, ngông nghênh và luôn khiến người khác cảm thấy vô định (vì Lam bay quá, Lam cao trào quá, Lam không đáp đất bao giờ) là một tâm hồn ngày càng lặng yên.

LAM TRỌN VẸN

“Khi nhắc về Lam, người ta hay nói Lam điên, Lam bản năng. Vậy nếu có thêm cụm từ thứ ba, Lam muốn nói gì về mình?”. “Lam trọn vẹn” Sau những ngẫu hứng như bước chân sáo trên thảm vải được thêu dệt đầy kiêu hãnh, những ai có thời gian dõi theo Lam sẽ thấy, Lam đã đi vào giai đoạn an yên trong sự an toàn và yên bình. Và để dung hòa mọi thứ: cảm xúc trong lòng mình, sự đón nhận của xã hội mà cụ thể ở đây là khách hàng, cái nhìn khách quan từ đồng nghiệp… chính là sự trọn vẹn mà Lam đang gói ghém vào từng thiết kế của cô.

Đã qua cái thời ai đó bĩu môi cho rằng, quần áo Lam lụa là nhưng may khâu ngẫu hứng, phóng khoáng đến nhiều khi “bừa không chịu được”. Lam giờ đây vẫn “bừa” nhưng cũng rất lề lối. Một chiếc áo kimono thuộc Lam by Kyoto khâu tay tỉ mẩn sẽ khó chỉnh sửa bằng bàn đạp máy may công nghiệp mười mũi như nhau. Để ra được một sản phẩm là kết quả của cả quá trình. Khi mang ra khỏi Việt Nam, nó sẽ được đánh giá là thuộc thương hiệu rộng khắp chứ không quanh quẩn trong cụm từ “sản phẩm bản địa”.

li lam3

“Lam không tìm cách gọi tên mình giữa truyền thông để mọi người biết mình đã ra nước ngoài. Lam nghĩ việc đi nước ngoài là hiển nhiên vì sản phẩm của mình xứng đáng được như thế. Vì vậy, Lam không hô hào, thành công hay thất bại, Lam sẽ chịu trách nhiệm với chính mình”. Tôi từng gặp rất nhiều cá nhân sử dụng danh xưng “Từ nước ngoài về” để khẳng định giá trị và nâng cao mức giá công việc. Điều ấy là hợp lý vì họ có quyền đưa ra điều họ muốn, còn tôi có quyền chọn lựa hoặc không, kể cả khi họ có thậm xưng lên thì tôi cũng không có quyền phán xét họ. Tương tự, Lam đi ra quốc tế? Ồ điều ấy tốt, tại sao lại không? Nhưng sau khi “ra quốc tế”, ngày trở về, Lam như thế nào? Lam cảm thấy ra sao về cách mà người khác đã làm?

“Thật ra, Lam không quan tâm lắm đến việc này vì Lam chẳng hiểu gì về họ để nói họ đúng hay sai. Lam không thể phán xét cách làm của họ là chính đáng hay bất hợp lý. Điều gì mình không hiểu tường tận thì không lên tiếng được. Nhưng nếu là Lam, dù ở quốc tế hay Việt Nam, “đảm bảo phù hợp với khách hàng của mình” mới là điều quan trọng nhất. Danh xưng? Lam chẳng bao giờ nghĩ đến”.

li lam4

ĐIỀU THUỘC VỀ LAM

Lam kể sau mỗi chuyến đi, thứ cô mang về nhiều nhất luôn là sách và điều cô học được là mình còn rất tệ. Tôi bảo Lam: Chị có thể mang nhiều sách, điều ấy hợp lý nhưng đừng nói mình tệ chứ! Cô cười: “Càng học, Lam càng thấy mình tệ”. Tất nhiên, chữ “tệ” Lam nói ở đây là khi ngước nhìn trên cao thấy mình vẫn là bông hoa nhỏ trong vườn, nhưng tôi vẫn phải nói đi nói lại, khai thác chữ “tệ” nhiều lần cho đến khi Lam bộc bạch: “Lam phải ép mình vào một lối sống chứ không thể để mình buông xõa, thế nào cũng được. Khi định hình được lối sống rõ ràng, Lam mới biết mình phải làm gì, mình cần gì, rồi sẽ tự do trong sự sáng tạo của bản thân để mọi thứ hoàn hảo hơn từng ngày. Lam không thích hôm nay thua kém hôm qua là vậy”.

li lam5

Nói đến đây, tôi chặn ngay Lam để nhấn mạnh rằng: “Vậy vẻ đẹp Lam chọn và mang lại cho đời có được tuyển chọn kỹ càng?”. “Đúng, nhưng vẻ đẹp của Lam không cần thuốc trừ sâu cũng như phân bón, vì Lam đã chọn những điều tốt đẹp nhất để cái đẹp hình thành một cách tự nhiên”. Tôi bật cười trước ý nghĩ phân bón và thuốc trừ sâu mà Lam đề cập. Tôi nghĩ: tuyệt! Những năm gần đây, nền công nghiệp thời trang phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều nhà thiết kế dễ dàng bị cuốn vào những trào lưu rồi vô tình biến mình thành bản sao, chịu ảnh hưởng từ người khác, quên mất cái tôi cá nhân. Lam xứng đáng là một bông hoa không hòa vào làn sóng nhạt nhòa ấy. Cô tách mình khỏi những điều quen thuộc. Tôi nghĩ để thành công, chắc chắn ai cũng cần một điều thuộc về riêng mình. Và Lam có điều ấy.

Bài và ảnh: KIM BÁNH TRÔI NƯỚC
Trang phục: LAM BOUTIQUE

Her World Việt Nam

Đừng bỏ qua