Một Dubai hoa lệ và những góc khuất có thể bạn chưa từng khám phá

Nếu liệt kê các điểm đến hút khách du lịch ở châu Á, những cái tên Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… là lựa chọn hàng đầu. Thế nhưng, tôi lại bị thu hút bởi một vùng đất mà ít du khách đặt chân tới, đó là Dubai

Nói đến Dubai, người ta nghĩ ngay tới xứ sở Hồi giáo của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) với đặc sản sa mạc và dầu mỏ. Từ nguồn dầu mỏ phong phú này, các nhà lãnh đạo UAE đã biến sa mạc của đất nước mình thành những thành phố hiện đại và năng động bậc nhất thế giới. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng thăm thú Dubai với một tour du lịch ngắn ngày. Vào một buổi sáng cuối năm, tôi lên máy bay của hãng hàng không Emirates để khám phá đất nước mà trước đây, tôi ngỡ mình mãi chỉ biết đến qua sách vở.

MỘT NGÀY Ở BURJ AL ARAB

Đến Dubai vào buổi tối, khi máy bay hạ độ cao khoảng 4.000m, tôi nhìn thấy một vệt sáng dài như “vòng cung lửa”. Hỏi người ngồi cạnh, tôi được biết đó là đường cao tốc nối Dubai với thủ đô Abu Dhabi, dài 120km chạy dọc bờ biển. Điều thú vị là đường cao tốc ở đây bật đèn sáng trên toàn tuyến chứ không phải chỉ từng đoạn như ở nước ta. Tôi chọn tòa nhà Burj Al Arab, được mệnh danh là Hotel Seven Star hay “khách sạn cánh buồm”, làm điểm đến đầu tiên vì nó quá nổi tiếng. Từ nơi tôi ở, Burj Al Arab chỉ cách khoảng 3–4 km đường chim bay, qua một eo biển. Tuy vậy, nếu đi bộ, bạn phải mất hơn hai giờ.

Tuy Burj Al Arab chưa phải tòa nhà cao nhất ở Dubai (chỉ 321m) nhưng lại đẹp và ấn tượng nhất. Tòa tháp được xây trên hòn đảo nhân tạo cách bờ khoảng 300m, có bãi đáp trực thăng bên trên. Muốn vào đây, bạn phải chi một khoản tiền không nhỏ. Tuy nhiên, không phải “ai vào cũng được” hay “cứ có tiền là vào được” như nhiều người lầm tưởng. Tôi từng thản nhiên đi vào với ý định lên tầng cao uống cà-phê kết hợp tham quan và ngay lập tức bị chặn ở cổng bảo vệ. Dù tôi “trình bày hoàn cảnh” thế nào, nhân viên cũng thẳng thừng: “Bạn không thể vào đó mà không đặt trước”.

Burj Al Arab nằm trên một hòn đảo, thế nên ven bờ trở thành bãi tắm công cộng khá nổi tiếng. Nó “công cộng” theo đúng nghĩa vì ai tắm cũng được, đồ dùng tư trang tự trông giữ, khi mệt có thể vào lều nghỉ, tắm xong ra tráng nước ngọt, tất cả hoàn toàn miễn phí. Ngay cả biển cũng rất đặc biệt. Thông thường, tắm biển ở các nơi khác vào sáng sớm hay đêm khuya sẽ rất lạnh nhưng biển ở đây khi nào cũng ấm. Tôi đã tắm vào lúc nửa đêm, cảm giác rất thú vị. Sau cả buổi sáng lang thang quanh tòa nhà Burj Al Arab, tôi ăn trưa ở một quán nhỏ của người Ấn Độ nằm ngay cạnh bãi biển.

Tôi gọi loại bánh mỳ dài gần nửa mét, bên trong có sốt thịt bò (người Hồi giáo không ăn thịt lợn) với mấy quả ớt xanh xào. Ớt của họ to và dài như quả chuối bên mình nhưng không cay. Thêm một lon nước ngọt, vậy là xong bữa trưa. Buổi chiều, rảo bộ trên trục đường chính, tôi nhận thấy cây trồng ở đây đa số là cọ và chà là. Mặc dù chà là chỉ trồng làm cảnh trên vỉa hè nhưng quả mọc theo chùm như buồng cau rất sai. Cây thấp lè tè ngang đầu người cũng có cả nghìn quả chín vàng. Trong tầm tay hái, vậy mà tôi không dám, phải chờ một người dân bản xứ đi qua mới ngỏ ý muốn hái vài quả. Anh ấy rất hào phóng, ngắt cho tôi tới cả ký. Mùi vị nó vừa chua chua vừa chát và cả ngọt… thật khó quên!

Còn khoảng 3km mới về đến nơi ở, tôi thấy mệt nên nhảy xe bus, mất 5 dirham (AED)/người (1 AED tương đương 6.000 đồng). Xe bus rất đẹp, toàn Mercedes loại 45 chỗ và không có phụ xe. Đến bến, dù đông thế nào, mọi người vẫn xếp hàng một và đưa tiền cho tài xế. Bạn lưu ý là 3 hàng ghế đầu luôn dành cho phụ nữ nên dù xe vắng hay đông, nam giới cũng chớ ngồi vào đấy. Hầu hết người đi xe bus là du khách như tôi, dân bản xứ đều có xe hơi riêng.

DUBAI SẦM UẤT VÀ ĐÔNG ĐÚC

Ibn Battuta Mall ở Jebel Ali là điểm thú vị thứ hai mà tôi ghé khi đến Dubai. Nói về độ quy mô hoành tráng, trung tâm thương mại này thua xa Dubai Mall – được coi là lớn nhất Dubai. Thế nhưng, nó rất đặc biệt khi được trưng bày theo chủ đề của 6 quốc gia (Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ai Cập, Tunisia và Andalusia – tôi gọi là “siêu thị 6 nước”). Tại đây bán đủ thứ, từ cái kim nhỏ xíu cho đến chiếc thủy phi cơ to đùng. Tôi đặc biệt thích những chiếc mô-tô 3 bánh, 4 bánh, có thể chạy trên mọi địa hình. Có khoảng 5 rạp chiếu phim cùng gần chục nhà hàng Á, Âu… đủ cả. Nếu muốn đi xem hết các gian hàng chắc phải mất cả ngày.

Ibn Battuta Mall

Trung tâm thương mại Ibn Battuta Mall sầm uất

Dạo quanh một vòng, tôi ghé ăn trưa ở nhà hàng Trung Quốc. Thực đơn các món ăn rất phong phú và hợp khẩu vị, nhưng không có rượu hay bia. Giá cho một bữa ăn như vậy khoảng 30 AED (185.000 đồng). Tạm biệt Ibn Battuta Mall, tôi tới tòa tháp Burj Khalifa nằm ở Giao lộ thứ nhất dọc theo đường Sheikh Zayed, xung quanh là trung tâm tài chính và thương mại. Chiều cao của tháp lên đến 828m, có 57 thang máy siêu tốc (600m/phút). Không có thống kê chính xác về số tầng của Burj Khalifa: 163, 165 hay 175… Người dân Dubai tự hào: Đây là đỉnh cao của trí tuệ loài người. Tôi mua vé lên tầng 125 với giá 100 AED (600.000 đồng), nơi có thể nhìn xung quanh đến vút tầm mắt. Ngay cả tầng để tham quan cũng có lan can cao khoảng 3m đề phòng bất trắc.

Dubai Deira market

Ở khu chợ Vàng Dubai, các cửa hàng bán vàng san sát nhau

Điểm tham quan thứ tư là Dubai City of Gold – chợ Vàng Dubai. Đi gần đến nơi, bạn sẽ thấy cái cổng gắn pano to tướng với dòng chữ DUBAI CITY OF GOLD, bên trong là dãy phố đi bộ dài hút mắt. Lòng phố nhỏ, có mái che với kiến trúc thanh thoát. Đương nhiên, các cửa hàng mặt tiền san sát nhau chỉ bán vàng và đồ trang sức, đặc biệt là không hề thấy bóng dáng bảo vệ. Ở đầu phố cũng chỉ thỉnh thoảng có một xe cảnh sát lượn lờ tuần tra. Còn nữa, ngoài các tiệm vàng cố định là những quầy vàng bán rong, cứ như vàng chùa Hương bên mình. Tất cả đều là vàng thật. Ai có nhu cầu thì xin mời, giá nào cũng bán.

Burj Khalifa

Tòa tháp chọc trời Burj Khalifa – niềm tự hào của người dân Dubai

ABU DHABI LỘNG LẪY

Du lịch Dubai mà không tới Abu Dhabi thì thật đáng tiếc. Thành phố này là thủ đô của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, nơi có cơ quan đầu não điều hành đất nước. Abu Dhabi cách Dubai khoảng 120km, mất hơn một giờ nếu đi xe bus. Bạn có thể ra bến xe trung tâm Dubai, mua vé với giá 25 AED (165.000 đồng). Ngồi trên xe, bạn tha hồ tận hưởng phong cảnh hai bên đường, với những cánh rừng, công viên xanh mướt hoa sắc, những công trình xây dựng với cần cẩu tháp vươn cần quay tít mù, những cột khí của các mỏ dầu cháy suốt ngày đêm.

Abu-Dhabi

Thánh đường Hồi giáo Sheikh Zayed đẹp nhất Trung Đông

Đến Abu Dhabi, bạn không thể bỏ qua hai điểm tham quan. Đầu tiên là thánh đường Hồi giáo Sheikh Zayed được coi là đẹp nhất Trung Đông. Thánh đường được xây dựng chủ đạo bằng đá cẩm thạch trắng cả trong lẫn ngoài. Nơi đây có những mái vòm và nhiều ngọn tháp rất cầu kỳ và tinh xảo, đặc trưng cho thế giới Hồi giáo. Đến gần, bạn sẽ đắm mình trong bầu không khí linh thiêng của xứ sở Hồi giáo. Nếu đi lẻ, bạn nên mua tour tham quan trong khoảng một giờ để có hướng dẫn viên thuyết minh (bằng tiếng Anh). Điểm tham quan thứ hai là khách sạn Emirates Palace. Đây là khách sạn 7 sao ấn tượng nhất thế giới. Nếu Seven Star Dubai độc đáo nhờ lối kiến trúc thì Emirates Palace ấn tượng bởi vẻ xa hoa, lộng lẫy và hoành tráng. Được xây dựng trên khu đất vàng gần bờ biển của Abu Dhabi, Emirates Place gồm 8 tầng trải dài trên 1km với tổng diện tích sàn khoảng 850.000m², bao quanh là công viên rộng 1.000 ha. Không chỉ vậy, ở đây có bãi biển riêng với chiều dài 1,3km, hai hồ bơi ngoài trời rất đẹp cùng một bãi chứa xe ngầm, sức chứa lên tới 2.500 xe hơi. Hơn 40 tấn vàng đã được dùng để dát khoảng 6.000m² đồ trang trí cho khách sạn. Chi phí xây dựng của Emirates Palace là hơn 3 tỷ đô-la Mỹ, một con số gây choáng đối với bất cứ công trình xây dựng nào.

GÓC KHUẤT GIỮA LÒNG DUBAI

Lộng lẫy với những tòa cao ốc chọc trời, sầm uất nhờ các khu thương mại nhộn nhịp, nhưng Dubai không chỉ có thế. Để đánh giá đầy đủ về xã hội, cuộc sống, con người… ở đất nước này, bạn nên tạt qua khu lao động của Dubai, chỉ cách những tòa nhà chọc trời 10 phút chạy xe. Dubai được xây dựng khởi nguồn từ một làng chài ven biển vốn nghèo nàn. Khoáng sản dầu mỏ mới được phát hiện và khai thác khoảng 70 năm gần đây. Ở Dubai có sự phân biệt giai cấp rất rõ rệt. Khi phát hiện ra dầu mỏ, các công dân giàu có thuộc tầng lớp tinh tú từ nhiều nơi thuộc Các tiểu vương quốc kéo tới đây. Theo thời gian, họ trở thành những ông vua dầu mỏ, chủ nhà băng, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn và các trung tâm thương mại. Ngoài ra còn có tầng lớp lao động di cư. Họ sống bình dị và không có tiếng nói mặc dù là những người lao động, trực tiếp vận hành guồng máy kinh tế đất nước như: ngư dân, công nhân dầu khí, lái xe, thợ máy, vệ sinh môi trường… Họ sống trong những căn nhà ổ chuột chật hẹp nóng đến 50°C, bẩn thỉu và bị bóc lột sức lao động thậm tệ.

Emirates Palace

Khách sạn Emirates Palace ấn tượng bởi vẻ xa hoa, lộng lẫy và hoành tráng

Tầng lớp này có nguồn gốc từ các nước Tây Á như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh… sang đây làm thuê. Những người lao động ăn mặc không sang trọng sẽ không được phép tới các khách sạn và trung tâm thương mại lớn. Dù bạn là du khách nhưng nếu mặc trang phục bình dân, du lịch bụi thì chớ nên ngó nghiêng Burj Al Arab. Nếu cố tình vào đây với mục đích “xem cho biết”, bạn cần chọn bộ cánh đắt tiền và đừng quên “lót tay” cho các nhân viên bảo vệ, khoảng 50–100 đô-la Mỹ, coi như phí tham quan.

ĐIỀU ĐỌNG LẠI

Dubai còn khá nhiều điểm đến mà tôi không đủ thời gian thăm thú, đành hẹn dịp khác. Hôm chia tay, trên đường ra sân bay, xe chạy qua một công viên với rừng cây xanh mướt và đầm nước ngọt, nơi có những con hạc đỏ đang lội bắt tép. Tôi phải nói rõ đây là đầm nước ngọt vì ở xứ này, chỉ cần đào sâu xuống hơn 1m là nước biển thẩm thấu vào ngay. Đã định kết thúc bài viết nhưng tôi muốn chia sẻ về những lưu ý khi đến Dubai để chuyến du lịch của bạn thêm trọn vẹn.

– Thứ nhất: Dubai là Quốc gia Hồi giáo với luật lệ hà khắc. Du khách phải chấp hành các luật lệ theo đúng phương châm “nhập gia tùy tục”.

– Thứ hai: Về văn hóa ăn uống, bạn đừng hỏi dân bản địa về rượu, bia, thịt lợn vì người Hồi giáo không dùng những thứ này. Nếu đi vào tháng Ramadan (tháng Lễ của người Hồi giáo), tuyệt đối ban ngày không được ăn, uống trước mặt người Hồi giáo.

– Thứ ba: Nên chọn taxi nếu đi gần. Ngược lại, xe bus là lựa chọn hợp lý. Chỉ có điều, rất nhiều người cũng chọn phương tiện này nên bạn phải xếp hàng, có khi kéo dài cả chục mét.

Sheikh Zayed Grand Mosque

Thánh đường được xây bằng đá cẩm thạch trắng

Lưu ý khi ghé nhà thờ ở Dubai

Nếu là người ngoài đạo Hồi đến thăm Thánh đường Sheikh Zayed hay bất cứ nhà thờ Hồi giáo khác ở Dubai, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc sau:

– Với nam: Không được mặc trang phục mát mẻ như áo thun cộc tay, quần shorts…

– Với nữ: Không mặc váy ngắn, áo hai dây, áo cộc tay…

– Để giày dép bên ngoài. F Các cô gái sẽ được mượn miễn phí một bộ áo choàng truyền thống Abaya và chiếc khăn trùm đầu ngay gần cửa ra vào Thánh đường. Khi mặc xong bộ đồ này, bạn có thể chụp ảnh, trông như một phụ nữ Hồi giáo chính hiệu. Nếu muốn chụp người Hồi giáo, bạn nhớ xin phép họ.

– Khi tham quan bên trong, bạn phải đi đứng theo sự điều hành của hướng dẫn viên. Thánh đường rộng lớn nhưng không phải chỗ nào cũng được tự do tìm hiểu. Ngoài ra, cần tuyệt đối tránh thể hiện tình cảm nam nữ.

– Hiện vật, đặc biệt là những cuốn kinh Koran của người Hồi giáo, là thứ không được chạm tay vào. Tuy nhiên, bạn có thể thoải mái đặt câu hỏi về thế giới đạo Hồi, Thánh đường… sẽ được giải đáp tận tình.

Bài: MINH NGUYỄN

Her World Việt Nam

Đừng bỏ qua