Bạn có sử dụng tiền điện tử thông minh?

Quan niệm “tiền ta, ta giữ, ta tiêu” đã thay đổi hẳn kể từ khi tôi nhìn thấy các tiện ích mà chiếc thẻ tín dụng nhỏ bé đem lại

Vốn là chủ một cơ sở chuyên phân phối sỉ và lẻ cà-phê, tôi luôn quan niệm chỉ có tiền cầm trong tay mới chắc chắn là của mình. Tuy nhiên, sau một vài lần đi nước ngoài, tôi đã phải hối tiếc vì thói quen chỉ tiêu tiền mặt.

 

Những quan điểm cũ

Trước đây, mỗi khi đi mua sắm hay du lịch, tôi thường mang theo một khoản tiền lớn, có khi lên đến 10.000 hay 20.000 đô-la Mỹ. Nói thật, phải đem theo nhiều tiền trong người, tôi luôn cảm thấy lo lắng và bất an.

Trước mỗi chuyến đi, tôi thường nghĩ cách giấu tiền sao cho an toàn, ví dụ như chia thành nhiều khoản để giấu trong va li, túi xách, túi quần, áo ngực… Trong tủ quần áo của tôi có những chiếc quần tây được may thêm túi vải nhỏ bên trong và có dây kéo chắc chắn để đựng tiền. Mỗi lần lấy tiền từ trong túi hay ví, tôi luôn cẩn thận nhìn trước ngó sau để chắc chắn là không có kẻ gian theo dõi mình.

Ông xã tôi có lần khuyên: “Hay để anh làm thẻ tín dụng cho em nhé. Em hay đi xa nên dùng thẻ vừa tiện, vừa đảm bảo an toàn”. Tôi liền gạt phăng: “Không cần đâu anh, dùng thẻ phiền phức lắm. Sử dụng tiền mặt dễ hơn, muốn mua gì chỉ cần trả tiền tại chỗ, sòng phẳng thế là xong. Tiền ta, ta giữ, ta tiêu. Dùng thẻ, đúng sai, thừa thiếu thế nào chẳng ai biết. Phức tạp lắm!”.

Thế là, bất chấp ông xã ra sức giải thích về lợi ích của thẻ tín dụng, tôi vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Với tôi, có tiền trong người là yên tâm nhất. Bởi trước đây, tôi cũng đã dùng thẻ ATM và gặp biết bao phiền phức vì nó. Nào là phải đi đăng ký, tạo tài khoản làm thẻ, chờ lấy thẻ, nhớ mã số pin, mất thẻ, bị máy nuốt thẻ, không rút được tiền vì mạng treo hoặc đỏ mắt tìm điểm rút tiền khi đi tỉnh… Từ đó, tôi giao luôn thẻ ATM cho chồng, còn mình thì giữ tiền mặt. Tôi không muốn gặp những rắc rối như thế nữa.

Mỗi lần vào siêu thị hay đi mua hàng ở các trung tâm mua sắm lớn như Diamond, Parkson, tôi rất dị ứng khi thấy nhiều người dùng thẻ thanh toán. Tôi đồ rằng họ cố tình để lộ cho mọi người thấy bên trong ví còn rất nhiều thẻ. Lúc ấy, tôi nghĩ thầm: “Đúng là sính thẻ. Tiền mặt không xài, đi xài đồ nhựa”.

 

200810_finance-credit-card-1

Mất tiền mới lo làm… thẻ

Rồi một lần, tôi cùng hai người bạn thân đi du lịch ở Singapore đúng vào mùa giảm giá. Biết mình sẽ mua sắm nhiều, tôi mang theo hẳn 7.000 đô-la Mỹ. Sau khi mua một chiếc laptop cho con trai, hai chiếc điện thoại i-phone cho đứa em và một số quần áo hàng hiệu, tôi chừa lại 200 đô-la đủ để dằn túi khi về nước.

Buổi sáng ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi rủ nhau đi dạo ở khu mua sắm Paragon. Thấy mấy bà bạn chọn quần áo, tôi cũng nóng ruột chen chân vào chọn cùng. Thấy họ tranh thủ gom thêm nhiều hàng giảm giá như quần áo, nước hoa, tôi phát ham. Hết tiền mặt, họ chìa thẻ ra thanh toán một cách gọn bâng. Còn tôi chọn xong đành bấm bụng để lại vì… hết tiền.

Đi ngang qua gian hàng Gucci, tôi nhìn thấy chiếc túi xách da màu tím nho mà mình mơ ước từ lâu nay đang bán giảm giá 20%. Tôi cứ mân mê chiếc túi mãi. Thấy vậy, cô bán hàng xí xố một tràng tiếng Anh khuyến khích tôi mua và chỉ vào bảng giảm giá, bảo: “This weekend only!”.

Ngắm chiếc túi một hồi, tôi đành đặt nó lại lên kệ và thở hắt: “Biết vậy hôm trước mình mang thêm nhiều tiền”. Rồi tôi lại ước: “Phải chi mình cũng có thẻ tín dụng giống họ”. Tôi cứ tiếc hùi hụi vì chẳng biết khi nào mình mới mua được chiếc túi với giá đặc biệt đó.

Đó là lần đầu tiên tôi rơi vào tình huống thiếu tiền mặt khi đi mua sắm ở nước ngoài. Nhưng đó vẫn chưa hẳn là động cơ để tôi chuyển sang dùng thẻ nếu như không xảy ra sự cố ở Mỹ.

Lúc đó là tháng Tư, tôi được mời đi dự hội nghị về thực phẩm. Trong một tuần ở Mỹ, tôi có dịp đi ngắm hoa anh đào nở ở Tidal Basin, Washington DC. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, lúc về khách sạn, tôi hốt hoảng khi phát hiện không biết mình vứt chiếc túi trong đó có 5.000 đô-la tiền mặt và son phấn ở đâu. May sao, tôi vẫn còn chiếc túi nhỏ đựng giấy tờ cùng 800 đô-la luôn đeo bên mình. Với số tiền này, tôi chỉ đủ cầm cự đến khi về, không thể mua sắm.

Hôm sau, trong lúc lên xe theo đoàn đi tham quan, tôi rầu rĩ than vãn với Thành, anh bạn đi cùng đoàn và cũng là đối tác của doanh nghiệp nhà tôi. Thành ngỏ ý nếu tôi muốn mua gì thì cứ nói, anh sẽ cho vay. Tôi hỏi: “Nhưng hôm qua em nghe nói anh mua sắm nhiều thứ quá nên hết tiền mặt rồi mà?”.

Nghe vậy, Thành mỉm cười, móc ví và chỉ vào cái thẻ rồi nói: “Anh còn cái này. Đi nước ngoài, sao em không làm thẻ Visa cho tiện”.
Thấy tôi ngớ ra, anh giải thích: “Với chiếc thẻ này, anh có thể mua sắm ở bất kỳ đâu trên thế giới. Nó còn có ưu điểm là có thể chi tiêu trước, trả tiền sau”.

Sau đó, với sự giúp đỡ của Thành, tôi đã mua được một số món đồ cần thiết.

Về nước, tôi quyết định phải đi làm ngay một chiếc thẻ tín dụng. Thì ra, việc đăng ký làm thẻ cũng không mất công và phiền phức như tôi nghĩ, chỉ cần truy cập website của ngân hàng để lấy mẫu đăng ký, sau đó gửi hồ sơ qua bưu điện. Một tuần sau, tôi đã có được chiếc thẻ tín dụng Visa vàng. Điểm hay là tôi có thể chi tiêu gấp bốn lần thu nhập sau khi được ngân hàng xét duyệt.

Từ ngày có chiếc thẻ trong ví, tôi trút bỏ được mối lo về việc phải cất giấu tiền mỗi khi đi xa. Tôi cũng không còn phải nhìn trước ngó sau khi mở ví trả một số tiền lớn cho nhân viên bán hàng. Tôi cũng không phải đếm tới đếm lui vì sợ trả nhầm, hoặc kiểm tra kỹ vì sợ tiền giả, tiền rách khi đi mua sắm. Mỗi khi bước vào những khu mua sắm lớn, tôi cũng an tâm vì mình có mang theo thẻ dự phòng, không sợ thiếu tiền nữa.

Mỗi tháng, ngân hàng đều đặn gửi về nhà bảng sao kê chi tiết các khoản tôi đã chi tiêu trong tháng trước. Khi dùng thẻ thanh toán, tài khoản sẽ không bị tính lãi nếu tôi hoàn trả khoản vay trong vòng 45 ngày. Ngoài ra, tôi cũng không cần phải thanh toán hết mà chỉ cần trả trước 5% tổng số nợ nêu rõ trên bảng sao kê hàng tháng.

 

Những trải nghiệm với tiền điện tử

Từ ngày dùng thẻ, tôi mới phát hiện ra được nhiều điều thú vị và tiện lợi khác, nhất là mua hàng qua mạng. Những địa chỉ mua bán qua mạng có uy tín như Amazon, e-Bay, Alibaba… ngày càng trở nên quen thuộc với tôi. Giờ đây, nếu thích thứ gì, tôi không cần phải nhọc công lặn lội ra nước ngoài để mua nữa mà chỉ cần một cú click chuột. Thậm chí, khi mua hàng trên mạng, tôi còn có cơ hội sắm được những món hàng giảm giá và tham gia đấu giá mua hàng.

Phương thức thanh toán qua mạng khá đơn giản, nên việc mua sắm kiểu mới này diễn ra rất nhanh chóng và dễ dàng. Tôi chỉ cần điền đầy đủ thông tin cá nhân, số thẻ và loại thẻ là xong. Khoảng một tuần sau, tôi đã có thể ung dung xách chiếc túi xách kiểu mới nhất để đi dạo phố.

Dĩ nhiên, khi dùng thẻ tín dụng, tôi vẫn có thể gặp rắc rối như không kiểm soát được mức chi tiêu của mình bởi thanh toán bằng thẻ rất dễ bị “vung tay quá trán”. Có lẽ vì vậy mà ở nước ngoài có nhiều người mắc nợ ngân hàng bởi dùng thẻ tín dụng quá nhiều, vượt mức thu nhập hàng tháng của họ.

Bây giờ, ngoài thẻ Credit, tôi còn sử dụng thêm loại thẻ Debit. Khác với Credit, thẻ Debit chỉ cho phép tôi sử dụng khoản tiền có trong tài khoản mà thôi, không thể vay thêm. Do đó, tôi không phải lo lắng về việc mắc nợ ngân hàng.

Cả hai loại thẻ này đều có thể dùng để rút tiền tại các máy ATM, thanh toán tại các cửa hàng hay trên mạng mà không cần phải dùng đến tiền mặt. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng có thể thanh toán qua mạng bằng thẻ tín dụng, bởi một số trang web vẫn không chấp nhận thẻ Việt Nam.

Nhưng dù gì đi nữa, tôi nghĩ trong tương lai gần, thói quen và cách thức mua sắm của người Việt Nam chắc chắn sẽ thay đổi. Khi dùng thẻ tín dụng, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và tránh được nhiều rủi ro so với dùng tiền mặt.

 

Nên tìm hiểu xem bạn mong muốn đăng ký thẻ tín dụng (Credit) hay thẻ ATM (Debit)

Nên tìm hiểu xem bạn mong muốn đăng ký thẻ tín dụng (Credit) hay thẻ ATM (Debit)

* Điều kiện làm thẻ tín dụng

Trước khi đến ngân hàng đăng ký làm thẻ tín dụng, bạn cần phải chuẩn bị sẵn các giấy tờ sau: bản sao CMND (2 mặt) có công chứng, bản sao hộ khẩu/bản sao KT3.

Ngoài ra, bạn phải chứng minh thu nhập, tùy theo quy định của mỗi ngân hàng hoặc loại thẻ, thu nhập tối thiểu là 4 triệu, 5 triệu, 6 triệu, 15 triệu…

Giấy tờ chứng minh thu nhập gồm: Bản sao hợp đồng lao động hoặc bản chính giấy xác nhận chức vụ, thời gian công tác, mức lương và thời hạn hợp đồng (nếu có); Bản chính của bảng sao kê tài khoản ngân hàng thể hiện mức lương của 3 tháng gần nhất.

 

BÀI: HỒNG PHƯỢNG

Đừng bỏ qua