Linh Nga: Sao hạng A, đó không phải thứ tôi tìm

Hiếm có nghệ sỹ nào như Linh Nga: không ồn ào, xô bồ, chỉ lặng lẽ sống với đam mê, vậy mà lại được khán giả nhớ đến và yêu mến

Công chúng thường bắt gặp Linh Nga trong các sự kiện với vẻ đẹp đằm thắm, mặn mà đang chín. Cô cũng là diễn viên múa duy nhất có thể bước từ phòng tập lên thảm đỏ showbiz với những thứ hào nhoáng, xa xỉ vây quanh. Được tôn vinh là ngôi sao hạng A, nhưng đó không phải là thứ Linh Nga tìm kiếm. Cô muốn được là chính mình, hết mình trên sân khấu và bình yên bên gia đình, vậy thôi.

Không có nhu cầu thành sao hạng A

Thời gian này, công chúng ít khi thấy chị xuất hiện trước truyền thông với những kế hoạch, dự định mới mà tại các sự kiện nhiều hơn. Chị có thể chia sẻ về công việc gần đây của mình?

Tôi vẫn thuộc biên chế của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Năm vừa qua, tôi vinh dự khi lần đầu được sang Mỹ biểu diễn trước các quan chức cấp cao, trong đó có tổng thống Obama tại chương trình kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ. Ngoài ra, tôi vẫn đi lưu diễn trong và ngoài nước cùng nhà hát.

Múa không giống như các ngành nghề khác. Bộ môn này cần có thời gian, tuổi trẻ và sự khổ luyện. Tôi thường làm một show và diễn đi diễn lại trong vòng một đến hai năm. Đây là những show tập thể để có thể nuôi sống cả một ê-kíp. Ví dụ như Vũ, tôi làm trong năm 2008 và diễn suốt hơn một năm rưỡi sau đó. Sen thì gồm nhiều tiết mục được xé lẻ để đi diễn khắp nơi.

Tôi vẫn tham gia đầy đủ các show diễn của nhà hát, còn show riêng chắc trong năm nay mới có thể làm. Vì đặc thù công việc (nghệ sỹ múa không xuất hiện trước công chúng nhiều như ca sỹ, diễn viên) nên khán giả ít biết đến các dự án của tôi cũng là điều dễ hiểu.

Không thể quảng bá tên tuổi mạnh mẽ như nghệ sỹ thuộc các lĩnh vực khác, chị có thấy mình thiệt thòi?

Vài năm gần đây, thị trường múa khá phát triển. Nhiều show truyền hình thực tế giúp bộ môn nghệ thuật này đến gần với công chúng hơn. Mọi người thường nghĩ nghệ sỹ phải tìm mọi cách để nổi tiếng và được nhiều người nhớ đến, nhưng tôi không nghĩ vậy. Sự khổ luyện của diễn viên múa kéo dài quá lâu nên chúng tôi không muốn khán giả biết đến mình chỉ từ những bộ váy áo xúng xính. Ngay cả các tên tuổi lớn như Bùi Công Duy, Đặng Thái Sơn… cũng không có nhu cầu này. Chúng tôi chỉ mong muốn được làm nghề, thỏa mãn đam mê.

Về nước gần mười năm, công việc của tôi vẫn được duy trì đều đặn. Dựng một show múa rất khó. Nếu nhạc sỹ trẻ thời này tràn lan thì nhạc sỹ làm nhạc múa chỉ đếm được vài người. Hiện tại, tôi đang phải đảm nhiệm 5 vai trò: sáng tác, biểu diễn, dàn dựng, đào tạo, tìm nhạc sỹ. Trước đây có anh Quốc Trung nhưng anh ấy không đi theo mình mãi được, cho nên tôi cứ loay hoay giải bài toán khó này. Khi show Sen được vinh danh ở kỷ lục Guinness là chương trình đặc sắc nhất về sen, tôi rất hạnh phúc vì công lao của mình đã được ghi nhận đúng đắn.

Stu08122015_HW_Interview_HTN_03634_TriNghia

Đầm, Võ Công Khanh. Hoa tai, Louis Vuitton

Hiếm thấy diễn viên múa nào, mà thực ra là không có ai ngoài chị, có thể bước từ phòng tập lên thảm đỏ danh giá với tư cách là ngôi sao hạng A. Theo chị, điều này có phải là may mắn?

Tôi từ sân khấu múa bước vào showbiz và tiến lên ngôi sao hạng A là bình chọn của truyền thông, khán giả. Cái tôi chọn không phải là làm ngôi sao hạng A, tôi chỉ muốn làm nghề càng lâu càng tốt. Có những diễn viên múa lấn sân sang điện ảnh, sàn diễn để được công chúng nhớ mặt nhiều hơn. Còn hôm nay, khi nhắc đến tôi, mọi người vẫn nhớ tôi là một diễn viên múa. Điều đó khiến tôi rất hãnh diện.

Tôi chỉ hạnh phúc khi được sống đúng với con người mình, chưa bao giờ tôi có cảm hứng với điện ảnh hay các bộ môn khác. Tôi là con nhà nòi, được gia đình ủng hộ, từ khi về nước chỉ làm nghề, nên được mọi người nhớ đến với vai trò múa là thành công rồi.

Tôi nghĩ mình may mắn khi hình ảnh luôn song hành với nghề nghiệp. Có những lúc tôi loay hoay, mất phương hướng nhưng nhờ có gia đình lại cân bằng trở lại. Vậy nên, tôi muốn gắn bó với múa, muốn đứng trên sân khấu múa chứ không thích bước trên thảm đỏ nhiều.

Có phải vì vậy nên chị mới chọn đóng quảng cáo để tăng thêm thu nhập, nuôi dưỡng đam mê?

Khi các nhãn hàng gửi hợp đồng quảng cáo đến, họ muốn tôi xuất hiện với vai trò nghệ sỹ múa bởi họ trân trọng mình. Tôi vẫn được múa trong những TVC quảng cáo ở khắp châu Á. Họ thích Linh-Nga-diễn-viên-múa bởi đó là giá trị của tôi. Có nhiều lời mời ở các lĩnh vực khác nhưng tôi từ chối vì không phù hợp. Làm việc với các nhãn hàng, tôi luôn đề xuất được là chính mình, dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục họ.

Việc sinh nở có làm khó chị hơn so với thời con gái?

Phụ nữ sinh nở một lần sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, có người không thể quay lại với nghề. Tuy nhiên sau khi sinh con bốn tháng, tôi đã múa trở lại. Dù sức khỏe không bằng thời trẻ nhưng mình vẫn còn đam mê, nhiệt huyết thì không gì là không thể.

Stu08122015_HW_Interview_HTN_0268_TriNghia

Body suite đỏ và áo khoác, Võ Công Khanh. Hoa tai, Louis Vuitton

Không lấy hình ảnh bản thân để thử nghiệm

Linh Nga luôn được coi là một người đàn bà đẹp. Bí quyết nào khiến chị luôn tỏa sáng trước công chúng?

Thực lòng, tôi không có bí quyết nào hết. Những hình ảnh mọi người nhìn thấy chính là con người thật của tôi. Tôi chẳng có ê-kíp tạo dựng hình ảnh, không stylist, trợ lý cũng là học sinh của tôi. Tôi chỉ muốn làm những gì thật nhất. Nghề múa không cần có chiến lược thay đổi hình ảnh rầm rộ.

Như thế liệu có bị coi là an toàn và dễ gây nhàm chán với hình ảnh “một màu”?

Ngoài vai trò diễn viên múa, tôi còn là biên đạo, còn đứng lớp. Tôi không muốn hình ảnh của mình trở nên lạ lẫm với những người xung quanh. Nếu Linh Nga quá lộng lẫy, sexy thì chỉ đẹp trong một khoảnh khắc nhưng sẽ khiến mọi người xa lạ. Mỗi người có một hình ảnh riêng, người quyến rũ, kẻ nổi loạn. Tôi thấy mình phù hợp với sự nhã nhặn, thanh lịch.

Có thể khán giả sẽ chán vì tính tôi thích an toàn, nhưng làm nghề, tôi biết mình nên dừng lại hoặc đi tiếp thế nào. Thời trẻ tôi múa rất nhiều, sau khi có con mới giảm bớt. Giờ tôi biết lúc nào nên múa, lúc nào biên đạo. Tuổi thơ của tôi đã bỏ ra nhiều năm để tập luyện với mong muốn trở thành diễn viên múa thực sự. Giờ mơ ước đã thành, tôi cần phải giữ gìn nó.

Vậy là chưa bao giờ chị muốn mình nổi loạn hơn?

Nếu nổi loạn thì nổi loạn trong nghề, trong tác phẩm tốt hơn là nổi loạn về hình ảnh. Tôi không thể lấy hình ảnh của mình ra thử nghiệm. Nghề của tôi an toàn, nên tôi lấy an toàn làm giá trị của bản thân. An toàn không phải là sợ mà bởi vì tôi quen rồi, không có nhu cầu thay đổi nhiều.

Stu08122015_HW_Interview_HTN_038523_TriNghia

Đầm, Vietion. Nhẫn và hoa tai, PNJ

Có khi nào chị cảm thấy mệt mỏi vì lúc nào cũng phải xinh đẹp trước công chúng?

Mỗi lần xuất hiện, ê-kíp muốn tôi như thế này hay thế kia, tôi đều không để tâm lắm. Công việc của họ để cho họ làm, còn mình chỉ cần làm tốt công việc của mình mà thôi.

Tôi không đặt nặng vấn đề phải luôn xinh đẹp, chuyện đó quá bình thường. Điều khiến tôi mệt mỏi là mỗi năm phải nghĩ ra cách để nuôi được diễn viên của mình.

Chị lựa chọn trang phục dựa trên tiêu chí nào?

Tôi quan tâm đến chất liệu. Bên cạnh đó, tôi thích các đường cắt cúp bởi chúng dễ gây ấn tượng với người đối diện. Tôi quen nhiều nhà thiết kế Việt như Phương My, Đỗ Mạnh Cường… họ đều có những thiết kế, kỹ thuật lẫn chất liệu gây ấn tượng mạnh với tôi.

Stu08122015_HW_Interview_HTN_0249_TriNghia

Áo Võ Công Khanh, vòng cổ PNJ

Thường thấy chị gắn bó với các nhà thiết kế trong nước hơn là sản phẩm của những nhãn hàng lớn.

Tôi không tự bó buộc mình vào một nhà thiết kế nào mà lựa chọn trang phục tùy theo nhu cầu bản thân. Có những thứ đồ hiệu không dành cho người châu Á. Nhiều bộ trang phục nhìn thì đẹp nhưng khoác lên người lại khác xa. Khi chọn trang phục, mình phải biết nó có thực sự phù hợp với mình hay không. Các nhà thiết kế trong nước hiểu tôi nên dễ làm ra sản phẩm hợp với tính cách của tôi.

Suy nghĩ này có thể khiến chị bỏ lỡ cơ hội lên báo chỉ với bộ váy nghìn đô, túi xách trăm triệu như nhiều người đẹp khác.

Nhiều người dùng hàng hiệu có thể bởi họ không hợp với nhà thiết kế Việt. Những tín đồ hàng hiệu thường khó mặc đồ trong nước. Tuy nhiên gần đây, các nhà thiết kế nước ta đã theo kịp xu hướng, pha trộn vẻ đẹp truyền thống và hiện đại.

Tôi không có quyền đánh giá bất cứ ai, nhưng hãy để thời trang tôn mình lên. Chẳng ai muốn khán giả chỉ biết bộ váy của hãng nào mà không biết mình là ai. Như thế giống như quảng bá thương hiệu chứ không phải tôn lên vẻ đẹp bản thân.

Vậy chị nghĩ sao về những người dùng hàng fake để theo đuổi “cuộc chơi hàng hiệu”?

Không nên phê phán người khác bởi mỗi người có cuộc sống khác nhau, thu nhập và suy nghĩ khác nhau.

Khi nghệ sỹ có tần suất xuất hiện trước công chúng thường xuyên, họ sẽ tìm cho mình ê-kíp đứng đằng sau để lo liệu về trang phục. Bản thân họ cần tin tưởng ê-kíp đó, đưa đồ gì là mặc, ít có thời gian kiểm tra xem hàng hiệu hay fake, của nhãn hiệu nào, giá bao nhiêu… Cho nên, đừng đổ lỗi hết cho nghệ sỹ nếu thấy họ dùng hàng fake.

 

Stu08122015_HW_Interview_HTN_033aa1_TriNghia

Đầm lụa, Vietino. Vòng tay và hoa tai, PNJ

Con gái là tác phẩm nghệ thuật khó nhất cuộc đời

Theo chị, điều gì làm nên một người phụ nữ đẹp?

Một người phụ nữ đẹp phải có khoảng trống và sự bình yên nhất định. Khi tôi 20 tuổi, một tuần đi diễn bảy ngày, thấy cuộc sống rất hối hả, gấp gáp, dường như tất cả đều bị cuốn trôi. Đến giờ, khi cân bằng được cuộc sống, giữ lại được những gì mình trân trọng, cái đẹp mới toát ra và tôi có thể truyền cảm hứng cho người khác.

Vậy hiện tại, chị có phải là người phụ nữ đẹp?

Tôi hay hỏi con gái mẹ có đẹp không, Luna bảo đẹp thì mình tin là đẹp (cười). Mỗi giai đoạn, cái đẹp sẽ khác nhau. Hiện tại, bình yên nhất khi tôi là chính mình trên sân khấu và được ở nhà cạnh Luna.

Có bao giờ trong một khoảnh khắc nào đó, chị nghĩ con cái là vật cản sự nghiệp?

Tôi không nghĩ thế bởi con gái là tác phẩm nghệ thuật khó nhất trong cuộc đời tôi. Tôi mong Luna sẽ nối nghiệp mẹ. Nếu con có năng khiếu, tôi sẽ hướng con theo nghề múa. Con gái làm cuộc sống của tôi nhiều màu sắc hơn.

Đã là phụ nữ thì cần biết phân bổ thời gian. Lúc sinh con phải dành thời gian chăm sóc con, nghỉ ngơi. Khi mọi thứ vào nề nếp ổn định thì quay lại với nghề. May mắn là có bố mẹ giúp đỡ nên bốn tháng sau khi sinh, tôi đã trở lại. Con cái và sự nghiệp, hai thứ nên bổ trợ nhau chứ không bên nào là vật cản của bên nào.

Nghệ sỹ ít khi muốn con mình nối nghiệp vì hơn ai hết, họ hiểu rõ những khổ cực, mặt trái của nghề. Tại sao chị lại muốn Luna theo nghề múa?

Nếu nói tôi không muốn Luna theo nghề là không đúng. Thế nhưng, bé phải thực sự có năng khiếu, có ham muốn học hỏi thì tôi mới có thể hướng bé theo nghề này. Tôi từng khuyên nhiều học sinh rằng nếu có năng khiếu thì hãy theo, còn chỉ thích đơn thuần thì không thể làm được. Thời gian học quá dài, làm nghề lại ngắn, vất vả đếm không xuể. Phải cho con thấy mình vẫn trụ được với nghề. Nếu con muốn đi, mình sẽ dắt con đi. Còn nếu nói làm nghề này khổ lắm, con đừng đi, chẳng khác nào dập tắt ước mơ của con.

Stu08122015_HW_Interview_HTN_03024_TriNghia

Đầm, Võ Công Khanh. Hoa tai, PNJ

Chị có cảm thấy kiệt sức vì đang gánh quá nhiều trọng trách: múa, chăm sóc con cái, trụ cột trong gia đình?

Cũng có lúc như thế nhưng chỉ trong khoảnh khắc thôi. Tôi tự thấy mình cân bằng được. Nếu khán giả không đón nhận mình, đó mới là điều mệt mỏi. Đôi khi, tôi nghĩ đến chuyện chuyển hướng nhưng chỉ một tích tắc sau, ý nghĩ đó vụt tắt và tôi vẫn tự tin bước tiếp với nghề nghiệp đã chọn.

Cảm ơn Linh Nga và chúc chị luôn được khán giả yêu thương trong vai trò nghệ sỹ múa.

Her World Việt Nam

Đừng bỏ qua