Lady Gaga – Chuyện tự kể

Đằng sau thành công của Lady Gaga, thấp thoáng hình ảnh người cô đã khuất cũng như ý chí kiên cường, dám vượt qua rào cản và quyết tâm làm điều mình muốn

Khi lớn lên, tôi luôn nghĩ mình là một kẻ nổi loạn. Mọi người cũng nói những điều tương tự: “Cô thật ngang ngạnh!”, “Tại sao cô lại ăn mặc kiểu đó?”. Dù ai nói ngả nói nghiêng, tôi vẫn tiếp tục làm những gì mình muốn, mặc thứ tôi thích và đeo những gì tôi yêu, bởi rõ ràng con người tôi chẳng có gì thay đổi. Tôi không phủ nhận mình từng mang nỗi xấu hổ suốt một thời gian dài. Thế nhưng, điều tôi nhận ra chính là sự nổi loạn của bản thân, và tôi nhận được sự đồng tình của gia đình.

NGUỒN CẢM HỨNG, ĐỘNG LỰC CHO CUỘC ĐỜI

Mẹ và bà là hai người phụ nữ quyền lực trong cuộc đời tôi. Mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở West Virginia trong một gia đình người Ý. Cha tôi làm việc ở ngành bảo hiểm. Ông bà ngoại mất sớm nên mẹ tôi có trách nhiệm nuôi nấng em gái của mình. Còn gia đình ông bà nội tôi đến Mỹ thông qua hòn đảo Ellis và sinh sống ở New Jersey. Ông nội là thợ đóng giày còn bà phụ giúp ông những lúc rảnh rỗi. Họ có hai người con, chị của ba tôi cũng mất sớm khi mới 19 tuổi.
Tôi từng lấy tên người cô đã mất –Joanne – đặt cho album của mình. Điều đó cho thấy cô ấy luôn hiện diện trong cuộc sống của tôi. Mối quan hệ của tôi và Joanne giống như mối quan hệ giữa một người và một thiên thần/người hướng dẫn tinh thần hay người bề trên.

Joanne là niềm hy vọng và đức tin của tôi. Tôi luôn cảm giác có ai đó dõi theo bước đi của mình, bảo vệ mình. Lớn lên, tôi cũng nhìn vào hình ảnh của Joanne để hiểu hơn về bản thân. Tôi nghĩ về Joanne mỗi ngày, trong mỗi việc tôi làm.

ĐẤU TRANH VÌ PHỤ NỮ

Bây giờ, những ngôn ngữ coi thường phụ nữ vẫn nhan nhản khắp nơi, trên ti-vi, trong cuộc sống hàng ngày. Tôi cảm thấy chán nản và tổn thương khi nghe những câu từ đó. Sau này, tôi tìm thấy sự đồng cảm từ Michelle Obama (cựu phu nhân tổng thống Mỹ) trong một bài diễn thuyết ở New Hampshire. Bà ấy nói về sự tổn thương khi chứng kiến những điều người ta nói với phụ nữ. Bà ấy nói về nỗi sợ của phái yếu khi phải lên tiếng về một vấn đề nào đó vì sợ công kích. Nhưng có cần phải như vậy không? Chúng ta phải đấu tranh cho cuộc sống của chính mình chứ!

Sinh ra là phụ nữ trong thời đại ngày nay nghĩa là chúng ta phải đấu tranh để tồn tại. Hãy tìm sức mạnh, điểm mạnh để đương đầu với sự tổn thương, để vượt qua định kiến tiêu cực của mọi người. Trước khi tìm thấy động lực từ Joanne, tôi đã mất một khoảng thời gian vì sự vô định. Lẽ ra, tôi có thể dừng mọi công việc để tìm khoảng lặng cho riêng mình. Nhưng không, tôi muốn trải nghiệm âm nhạc theo cách mình làm lúc nhỏ. Tôi chỉ cần thực hiện điều mình muốn thay vì lo lắng về suy nghĩ của mọi người hay để bản thân bị ám ảnh bởi những thứ không quan trọng.

Trên hết, tôi có một gia đình tuyệt vời. Tôi làm việc chăm chỉ, tôi quan tâm, chăm sóc những người xung quanh, giúp họ có được công việc yêu thích. Không chỉ vậy, tôi còn tạo ra được thứ âm nhạc giúp truyền tải những thông điệp tốt đến với mọi người trên khắp thế giới. Năm nay, tôi bước qua tuổi 30, độ tuổi của một phụ nữ trưởng thành. Tôi có quan điểm rõ ràng về những điều mình muốn. Với tôi, đó là thành công. Tôi muốn trở thành một người có thể chiến đấu cho sự thật chứ không phải chỉ gây sự chú ý, trở thành người của công chúng hay gom thật nhiều giải thưởng.

CÂU CHUYỆN GIÚP LADY GAGA TRỞ NÊN NỔI TIẾNG

Sự nổi tiếng đến với Lady Gaga không hẳn là định mệnh. Nó bắt nguồn tự việc bố mẹ cô quan tâm sâu sắc đến việc giáo dục con cái từ khi còn rất nhỏ. Họ ghi danh cho Gaga học ở một trường công giáo, nơi sự bắt nạt tàn nhẫn xuất hiện.

“Tôi từng vẽ hàng lông mày thật rậm. Tôi làm da rám nắng khiến bạn bè phải bình luận, thắc mắc: “Tại sao da của bạn màu cam? Sao bạn để tóc kiểu đó? Sao bạn lại tạo cho mình ngoại hình như thế?”. Mọi người từng gọi tôi là thứ này, thứ kia. Tôi thậm chí chẳng muốn đi học”, Gaga kể.

“Trải qua môi trường như vậy, sự bắt nạt luôn đeo bám bạn. Tôi đã làm mọi thứ nhưng luôn là người thua cuộc. Tôi có muốn gắn bó với ai không? Không, tôi chỉ muốn làm bạn cùng âm nhạc”.

lady-gaga-full-lg-02

Đó là lý do Gaga có niềm đam mê âm nhạc từ rất nhỏ. Lúc 11 tuổi, cô bắt đầu luyện thanh nhạc và đến giờ vẫn tiếp tục việc này với người thầy của mình. Khi còn nhỏ, cô đã học piano. Gaga nhớ lại: “Tôi được đào tạo bài bản để trở thành một nghệ sỹ dương cầm cũng như học cách viết một bản nhạc pop. Mặc dù được học theo quy tắc nhưng tôi không ngại phá vỡ chúng và chấp nhận rủi ro. Sau khi “sống sót” hết trung học, tôi đăng ký học một trường nghệ thuật rồi bỏ học, trở thành ngôi sao nhạc rock. Tôi rời bỏ gia đình, tự đi thuê một căn hộ rẻ tiền, ăn uống những thứ kinh khủng cho đến khi có ai đó lắng nghe mình”.

Dường như Gaga đã có thành công đầu tiên vào năm 19 tuổi khi ký được hợp đồng thu âm với Def Jam. Vậy mà ba tháng sau, hãng đã bỏ rơi cô. Để chạy trốn khỏi nỗi thất vọng của cha, Gaga chuyển đến Lower East Side, nơi cô dính vào cocaine và nhảy múa sexy trong quán bar.

Năm 2008, bạn trai Gaga dẫn cô đến một trung tâm thu âm với tư cách nhạc sỹ. Sau khi hát thử, cô lọt vào mắt xanh của ông chủ. Một năm sau, Gaga phát hành album đầu tiên The Fame. Album thắng lớn và bán được hơn 4 triệu bản. Album biến cô thành một huyền thoại và nổi tiếng ngay lập tức.

Với Gaga, không có gì là lối mòn. Cô luôn biết cách làm mới bản thân, tạo sự thu hút sau mỗi tác phẩm hay mỗi lần xuất hiện. Trên sân khấu, Gaga diễn hết mình, như thể đó là thời điểm thành công nhất trong sự nghiệp của cô. Đó chính là điều làm nên thành công cho Gaga.

Cho đến thời điểm này, Lady Gaga đã gặt hái được nhiều thứ trên con đường nghệ thuật: biểu tượng thời trang, biểu tượng sex, ngôi sao nhạc pop khiêu khích. Song Gaga không cần ai xem mình là ngôi sao. Cô nói: “Tôi nhìn mẹ mình và cách bà ấy yêu thương cha tôi khi ông đổ bệnh. Tôi nhìn ông bà tôi và những gì họ đã trải qua. Đó chính là nguồn sức mạnh cho tôi. Sức khỏe, hạnh phúc, tình yêu là những thứ trọng tâm trong cuộc đời người phụ nữ, cũng là mục tiêu mà tôi hướng đến”.

Her World Vietnam

Đừng bỏ qua