Hội chứng ngày thứ Hai đen tối xuất phát từ đâu?

Bạn bắt đầu một tuần làm việc mới với tâm trạng đầy uể oải, chán nản hay áp lực, có thể bạn là nạn nhân của hội chứng ngày thứ Hai đen tối, hội chứng phổ biến của giới văn phòng

Tầm 3 giờ chiều ngày Chủ Nhật, bạn vẫn trong trạng thái vui vẻ, hưởng thụ ngày cuối tuần. Sau đó, tâm trạng càng lúc càng xuống dốc khi nghĩ đến việc bạn sẽ phải quay lại văn phòng với một mớ việc và những cuộc họp hay báo cáo tuần, tháng căng thẳng đang chờ đón. Thứ Hai đang đợi bạn phía trước.

Liệu bạn có chắc chắn rằng mình chưa bao giờ sợ hãi ngày thứ Hai? Theo một bài báo gần đây của CNBC cho biết, nhân viên công sở cảm thấy không hạnh phúc nhất chính xác vào thời điểm 11:17 sáng ngày thứ Hai. Ngược lại, họ vui vẻ và phấn khích nhất vào lúc 3:37 giờ chiều ngày thứ Sáu. Tại sao vậy?

“ÁC MỘNG NGÀY THỨ HAI” XUẤT PHÁT TỪ ĐÂU

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê ở Anh, có khoảng 16% các vụ tự tử ở nam và 17% ở nữ giới xảy ra vào các ngày thứ Hai, cao hơn so với con số 13% các vụ tự tử xảy ra vào các ngày khác trong tuần. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng xu hướng này không chỉ diễn ra ở những người sắp phải quay trở lại với công việc mà còn tương tự với cả những người đã nghỉ hưu. Điều này chứng tỏ “hội chứng thứ Hai” đã trở thành nỗi ám ảnh hay hình thành thói quen chán ghét đối với hầu hết mọi người.

Thật dễ nhận thấy tâm lý “hoang mang” này bởi cứ đến tối Chủ Nhật hoặc sáng sớm thứ Hai, chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội, chúng ta sẽ bắt gặp những lời ca thán không ngớt về ngày đầu tuần u ám tưởng như sắp “tận thế”. Vậy tại sao ngày thứ Hai được coi là “ngày đen tối” nhất trong cả tuần? Minh Nguyệt, giám đốc marketing của một khách sạn cho biết, cô chỉ muốn kéo dài ngày cuối tuần để được nằm trên giường ngủ nướng thoải mái. Hơn nữa, cuộc họp hàng tuần vào sáng thứ Hai và một danh sách các công việc chưa hoàn thành từ tuần trước làm cô cảm thấy ngao ngán, cho dù cô vẫn yêu thích công việc hiện tại. Đó dường như là tâm lý chung của nhiều người.

hoi chung thu 2-01

Nguyên do rõ nhất dẫn đến cảm xúc tiêu cực cho dân công sở đầu tiên phải kể đến sự rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể. Vào những ngày trong tuần, công việc nhiều, bạn thường không ngủ đủ giấc. Do đó bạn có xu hướng ngủ bù cuối tuần để bổ sung năng lượng. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ sai lầm. Giấc ngủ dù chỉ kéo dài thêm 1, 2 giờ cũng có thể gây nguy cơ làm thay đổi thói quen và đồng hồ sinh học trong cơ thể. Theo các nhà khoa học, cố ngủ thêm chỉ làm cho bạn thấy mệt mỏi hơn vào đầu tuần vì bạn đã vô tình đẩy lùi đồng hồ sinh học chậm lại 45 phút. Ngoài ra, đi chơi khuya, ăn uống tụ tập cùng bạn bè, du lịch xa cũng gây ảnh hưởng. Sau hai ngày “buông thả”, bạn không thể mong đợi một động lực dồi dào cho ngày thứ Hai nếu bạn đã tiêu thụ quá nhiều năng lượng mà chưa kịp nghỉ ngơi. Tạp chí Y khoa của Anh cho biết các cơn đau tim gia tăng khoảng 20% vào ngày thứ Hai, trái ngược với những ngày khác trong tuần. Có nhiều người bị stress và huyết áp cao khi quay lại làm việc. Vì vậy, hãy cẩn thận và giữ gìn sức khỏe vào cuối tuần.

CẢM XÚC CŨNG TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ GHÉT BỎ NGÀY THỨ HAI

Sự thay đổi đột ngột của cảm xúc cũng là yếu tố quan trọng. Các nhà khoa học đã có phát hiện thú vị sau khi yêu cầu một nhóm người ghi lại đều đặn cảm xúc của họ trong một thời gian. Kết quả cho thấy, trong ngày thứ Hai, họ không hề căng thẳng hay buồn chán hơn các ngày thứ Ba, thứ Tư hay thứ Năm, duy có thứ Sáu là hào hứng nhất bởi những kế hoạch cho cuối tuần.

Thực tế thì độ “kinh khủng” của các ngày làm việc trong tuần đều như nhau. Thế nhưng, nếu hỏi ngày nào tồi tệ nhất, mọi người đều đồng thanh trả lời là thứ Hai. Thật là một sự thay đổi lớn từ Chủ nhật (ngày cuối tuần vui vẻ, hạnh phúc) sang thứ Hai (ngày làm việc đầu tiên). Chẳng ngạc nhiên nếu nói thứ Hai xứng đáng chiếm vị trí ngày tồi tệ nhất trong tuần. Trong một khảo sát thực tế, kết quả cho thấy mọi người chỉ thực sự tập trung làm việc vào khoảng 3 giờ chiều ngày thứ Hai.

Linh Nga, nhân viên văn phòng, cũng đồng ý với kết luận này. Bởi dư âm của chuyến đi xa, quá nhiều chuyện xảy ra cuối tuần khiến bạn cần phải giải tỏa với cô bạn đồng nghiệp. Và thật hài hước, ngồi lê đôi mách với các đồng nghiệp là một phần quan trọng, chuẩn bị cho tuần làm việc. Nó cũng đánh dấu “sự trở lại ấn tượng” của bạn. Nếu không làm điều này, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu. Nga nói thêm rằng, cô chỉ dành thứ Hai để làm báo cáo hoặc soạn “to-do-list” cho cả tuần và sẽ nghiêm chỉnh bắt đầu công việc từ thứ Ba đến thứ Sáu.

Cuối cùng, chán ghét công việc hiện tại là lý do lớn nhất góp phần tạo nên “hội chứng ngày thứ Hai”. Theo thăm dò của Gallup, 70% số người hoàn toàn không yêu thích công việc của họ. Dấu hiệu trầm cảm và lo âu bắt đầu xuất hiện từ đêm Chủ Nhật dẫn đến một sáng thứ Hai mệt mỏi và ngày làm việc không hiệu quả. Đó cũng là lý do tại sao 37% đơn xin việc được nộp vào thứ Ba, nhiều hơn tất cả những ngày khác trong tuần. Không có gì ngạc nhiên nếu bạn đã có một thứ Hai khủng khiếp với một công việc nhàm chán và sẵn sàng thoát khỏi nó ngay hôm sau.

CÓ MỘT NGÀY THỨ SÁU TUYỆT VỜI ĐANG ĐỢI PHÍA TRƯỚC

Nếu như ngày thứ Hai là một “thảm họa” thì ngược lại, thứ Sáu diễn ra với nhiều háo hức, dự định và trở thành ngày được mong đợi nhất trong tuần.

Nếu thứ Hai, bạn chỉ thực sự bắt đầu làm việc từ 3 giờ chiều, thì thứ Sáu ai cũng có tâm lý “xong việc” từ… đầu giờ chiều.

Bạn sẽ cảm thấy hăng hái làm việc hơn nếu bạn tự thuyết phục mình rằng, sẽ không có công việc quái quỷ nào làm phiền bạn vào ngày mai.

Bạn làm việc suốt ba tiếng liền nhưng thực chất, chỉ có 10 phút tập trung cho công việc, còn lại là suy nghĩ lan man về việc tụ tập ở đâu, nhắn tin hẹn hò ai…

Nhiều nghiên cứu cho rằng, các sếp, nhà lãnh đạo sẽ tỏ ra dễ dãi với bạn vào thứ Sáu hơn tất cả các ngày trong tuần.

Cũng vì lý do đó, các nhà tâm lý hay chuyên viên phân tích kinh tế đưa ra lời khuyên không nên họp hành hoặc có quyết định quan trọng vào thứ Sáu vì có thể sẽ “thiếu sáng suốt”. Mọi việc hãy để đến thứ Hai. Vậy chúng ta cũng hiểu một phần tại sao thứ Hai lại trở nên áp lực và… đáng ghét như thế.

Businesswoman walking, holding hot drink and digital tablet

LÀM SAO ĐỂ KHẮC PHỤC “NGÀY THỨ HAI ĐEN TỐI”

Có vô số lời khuyên hay những bài học quản lý thời gian giúp bạn quên đi “nỗi ám ảnh” này nhưng nói luôn luôn dễ hơn làm. Vậy hãy thử bắt đầu từ những bước nhỏ nhất sau đây để ngày thứ Hai tươi đẹp hơn.

Thư giãn nhẹ nhàng vào Chủ Nhật

Như đã nói, các hoạt động vui chơi mạnh hay quá khuya sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng của bạn dẫn đến sự mệt mỏi. Đi dạo, đọc sách, gặp gỡ bạn bè, ăn uống lành mạnh và ngủ sớm tối Chủ Nhật hay nói chính xác là có những hoạt động lành mạnh vào ngày Chủ Nhật sẽ giúp bạn cân bằng năng lượng, sẵn sàng đón ngày thứ Hai.

Vài phút tự nhắc nhở vào tối Chủ nhật

Bạn hãy dừng mọi hoạt động vui chơi hay thư giãn khác để điểm lại các mục tiêu có thể đạt được vào tuần tới. Việc này thật ra chỉ mất khoảng 5 phút. Chúng không cần phải là những mục tiêu lớn lao như vượt sông, vượt biển hay khám phá một điều gì mới. Hãy nhớ rằng “The journey of a thousand miles starts with your first step” (Hành trình dài nghìn dặm nào cũng phải bắt đầu từ những bước chân đầu tiên). Liệt kê những việc bạn cần phải làm, thật ngắn gọn và đơn giản. Việc này sẽ giúp bạn thoải mái và khởi động một chút hứng khởi cho ngày thứ Hai.

Đừng quăng “cục lơ” với những e-mail công việc

Nhiều lời khuyên cho rằng nên tắt điện thoại, đừng kiểm tra e-mail vào ngày cuối tuần nhưng nếu bạn là người dễ chán nản vào thứ Hai, bạn vẫn nên đọc e-mail. Nó sẽ giúp bạn kiểm soát công việc và có thể giải quyết được những rắc rối mà không phải kêu trời khi thứ Hai mới thấy nó.

Làm người khác vui hơn vào sáng thứ Hai

Một lời chào hỏi nhẹ nhàng kèm với nụ cười cũng khiến ai đó cảm thấy vui vẻ và niềm vui đó sẽ lan tỏa sang bạn. Ai đó có thể là bất kỳ ai, từ cô bán bành mì đầu hẻm, bác bảo vệ hay bạn đồng nghiệp kế bên. Điều này thật đơn giản nhưng ít người biết. Cử chỉ tự nhiên tuy nhỏ nhưng lại có hiệu quả rất tuyệt đấy.

Thái độ quyết định mọi thứ

Nếu bạn thức dậy với một tâm trạng xấu, cả ngày sẽ trở nên tồi tệ. Ngược lại, tỉnh giấc trong trạng thái vui vẻ sẽ giúp ngày mới khá khẩm hơn. Hãy thức dậy lúc bình minh vừa ló rạng, nhanh chóng ra khỏi giường, tập một bài thể dục nhẹ nhàng, đi tắm trong khi nghe một bản nhạc khiến bạn yêu đời hơn rất nhiều. Ngay cả việc ngắm nghía món đồ yêu thích dù chỉ vài giây cũng giúp cải thiện cảm xúc theo hướng tích cực hơn.

Ăn, vẫn là ăn

Điều này chắc bạn đã được nghe đi nghe lại nhưng đôi lúc vẫn cố tình quên. Ăn sáng giúp bổ sung năng lượng cho cả ngày là điều không thể chối cãi. Làm sao bạn có thể làm việc hiệu quả khi bụng đói meo và kêu réo suốt. Một quả chuối cùng ly nước cam cũng không làm mất nhiều thời gian của bạn đâu.

Thời trang là số 1

Đối với phái nữ, xuất hiện trong bộ cánh và bề ngoài hoàn hảo là vô cùng quan trọng. Lời khen của đồng nghiệp sẽ quyết định tâm trạng cho cả ngày, thậm chí cả tuần. Để phòng trường hợp không kịp tìm bộ đồ yêu thích trong một tủ quần áo khổng lồ, hãy dành 10 phút chọn và ủi sẵn bộ cánh “có thể thay đổi thế giới” từ tối Chủ Nhật, trước khi bạn đi ngủ nhé. Bên cạnh đó, hãy ưu tiên cho những trang phục có màu sắc tươi sáng. Bạn cũng có thể chọn phụ kiện đi kèm có màu sắc hay họa tiết vui mắt. Tâm lý học đã chứng minh màu sắc có khả năng tác động đến tâm trạng đấy.

Bài :HƯƠNG TÔN

Her World Việt Nam

Đừng bỏ qua