Đi thi để chiến thắng

Đã bước chân vào một cuộc thi, tất cả các thí sinh đều có cơ hội ngang nhau. Vì thế hãy dốc sức để chiến thắng chứ đừng mang tâm lý học hỏi để đi thi

Vài tuần trước, tôi có dịp ngồi cà-phê cùng vài người bạn. Sau vài chủ đề về cuộc sống, xã hội chúng tôi nhắc đến cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vừa kết thúc phần thi chung kết ở năm thứ 14. Chúng tôi không nhắc đến việc ai thắng giải và cũng càng không muốn nói về việc những người chiến thắng của cuộc thi không về nước lập nghiệp. Một người trong nhóm đưa ra một vấn đề mới: “Mình gần như không xem cuộc thi này không phải vì không thích mà không thích cách các thí sinh mở đầu cuộc thi. Hơn mười năm nay khi các thí sinh giới thiệu về mình họ sẽ luôn bắt đầu: “Tôi tên là ABC, tôi đến từ trường trung học phổ thông XYZ và tôi mong muốn đến cuộc thi này để học hỏi kinh nghiệm và kết bạn”. Đó là sự nhàm chán đáng ghét, không dám nói thật lòng mình, thiếu sáng tạo, bản lĩnh.

Chúng tôi gần như ồ lên với phát hiện này và ai cũng gật gù thừa nhận điều này là sự thật trong chương trình ăn khách đó, rất nhiều những người tham dự các cuộc thi ở trong nước lẫn ở nước ngoài luôn đến thi với câu nói: “Đi thi để học hỏi kinh nghiệm”. Tại sao lại có câu nói này và nó có thực sự được đánh giá cao không?

 

Khi sự khiêm tốn không cần thiết

Trong tâm thức của người Việt Nam, khiêm tốn là một đức tính được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên có những lúc sự khiêm tốn không đúng chỗ sẽ trở thành sự giả dối. Việc tham dự một cuộc thi mà cuộc thi đó có khả năng thay đổi cuộc đời của một con người, chắc chắn không có ai không muốn giành chiến thắng.

Một người nước ngoài đang giữ vị trí giám đốc cho một công ty quảng cáo tại Việt Nam kể: “Khi công ty mẹ ở Mỹ tổ chức một cuộc thi cho các nhân viên của công ty trên toàn cầu, ông đã đích thân chọn hai bạn trẻ, những người đang nắm giữ vị trí quan trọng trong công ty qua Mỹ dự thi. Tôi cứ nghĩ hai bạn đó chắc chắn sẽ luyện tập học hỏi ngày đêm để chiến thắng trong cuộc thi đó nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Tôi chỉ thấy họ lo mua sắm, hỏi bạn bè cảnh đẹp để đi du lịch, cách đi lại và rất nhiều thứ khác mà không hề nghĩ gì về cuộc thi. Khi hỏi cả hai về chiến lược cũng như có tìm hiểu thông tin gì về cuộc thi không thì cả hai đều không thể trả lời. Họ nói sẽ cố gắng hết sức nhưng quan trọng nhất là: “Đi để học hỏi kinh nghiệm”.

Cụm từ đi thi để học hỏi kinh nghiệm đã ăn sâu vào nhiều người Việt, đặc biệt là khi ra đấu trường quốc tế bởi người đi thi thường tự xếp mình đến từ một quốc gia lạc hậu, kém phát triển. Trên thực tế chúng ta có thể thua nhiều quốc gia khác về nhiều mặt nhưng không hề thua kém về trí thông minh, khả năng ứng biến và kiến thức. Bằng chứng là mỗi năm chúng ta vẫn giành được rất nhiều giải thưởng lớn từ các cuộc thi các môn khoa học, sáng tạo và nhiều thứ khác.

Vị giám đốc người nước ngoài của công ty quảng cáo cho biết: “Tôi không đánh giá văn hóa nhưng khi nghe câu nói đó, tôi có cảm giác người nói rất thiếu tự tin và họ xem thường cuộc thi”.

 

Hầu hết người nước ngoài đều không đánh giá cao câu nói đi thi để học hỏi kinh nghiệm

 

Cách đây hơn một tháng, trong cuộc trò chuyện với biên tập một tạp chí nổi tiếng tại Việt Nam, tôi nghe bạn kể vừa nhận được bài phỏng vấn từ phóng viên cho bốn người giành được giải thưởng trong một cuộc thi sáng tạo, là một chuyến đi Pháp để tham dự sự kiện dành cho ngành quảng cáo lớn nhất thế giới. Thế nhưng, câu trả lời của các bạn trẻ y hệt của hoa hậu trả lời phỏng vấn trước khi mang chuông đi đánh xứ người. Họ chỉ cho biết sẽ cố gắng hết sức và đi thi để học hỏi thêm kinh nghiệm. Người biên tập này thắc mắc: “Tôi cứ nghĩ những câu nói kiểu này chỉ dành cho các hoa hậu chứ không ngờ những bạn trẻ đang làm trong ngành sáng tạo cũng chẳng hơn gì”.

Cả cuộc đời của chúng ta là những ngày học hỏi không ngừng nhưng khi đi thi các bạn hãy thể hiện lòng mong mỏi giành chiến thắng. Đó là cách để bạn quyết tâm hơn, hết sức mình hơn với nó hơn. Một công ty truyền thông lớn tại Việt Nam, nơi tổ chức rất nhiều cuộc thi lớn hàng năm cho các bạn trẻ với rất nhiều giải thưởng lớn luôn mong muốn được đưa bạn trẻ Việt Nam ra nước ngoài và mang vinh quang về. Thế nhưng, không ít những người có cơ hội được ra nước ngoài để đi thi lại mang trong mình suy nghĩ “đi thi thì ít, đi chơi thì nhiều”. Nhìn những nỗ lực của người tổ chức, những người dành tâm huyết với mong muốn sẽ có một thế hệ tài năng hơn về phục vụ cho đất nước đã bỏ ra, không thể không tiếc cho những chuyến đi đó.

 

Không giành chiến thắng cũng không phải nhục

Nếu đã xem chương trình truyền hình thực tế Junior Masterchef của Úc và của Mỹ, khán giả không chỉ ngạc nhiên trước khả năng nấu nướng của các cô bé cậu bé tuổi từ 8 đến 13 mà còn phải thừa nhận sự tự tin của các em. Khi giới thiệu về bản thân, những cô bé, cậu bé dõng dạc: “Cháu rất tự hào khi có mặt trong cuộc thi này. Cháu đến đây để trở thành Vua đầu bếp nhí đầu tiên của Mỹ. Đây sẽ là bước đệm để cháu mở một nhà hàng trong tương lai”. Không hề tự phụ, cũng không có một chút gì khoa trương, người xem chỉ nhận thấy đó là một cậu bé đầy lòng quyết tâm, tự tin và mang hoài bão lớn.

victory1-re

Các thí sinh của cuộc thi Junior Masterchef USA mùa đầu tiên khiến khán giả ngạc nhiên với sự tự tin và bản lĩnh

Người xem chắc chắn chẳng ai nhớ đến lời nói đanh thép này khi cậu bé hay cô bé trong cuộc thi thua cuộc. Họ cũng sẽ chẳng dè bỉu rằng: “Thằng bé đó nói là đến giành chiến thắng kia mà”. Họ chỉ nhớ đó là một thí sinh giỏi, đầy khát khao chiến thắng, đầy bản lĩnh chiến đấu. Điều khán giả nhớ đến các thí sinh nhí này đó chính là sự thoải mái nhưng cũng đầy quyết tâm của các em.

Không thể so sánh văn hóa và cách giáo dục của chúng ta với Mỹ hay Úc, nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải thoát khỏi những lối mòn. Chúng ta chẳng có gì phải xấu hổ khi đặt ra một mục tiêu lớn và nỗ lực giành nó, còn hơn là để người khác nhìn vào và nhận xét: “Thua là xứng đáng”. Cuộc thi không phải là cuộc chơi, nếu đã chơi xin đừng đi thi bởi bạn đang làm phí thời gian, công sức và đang lấy đi cơ hội của những người xứng đáng hơn, những người mong muốn được chiến thắng.

 

Sự tự tin đôi khi chỉ bắt đầu từ một câu nói

Có dịp sang Nhật Bản và làm việc với người Nhật, tôi nhận thấy khi một người nhận được công việc nào đó họ luôn nói: “Tôi sẽ làm được”. Khi nghe câu này, đối phương sẽ có cảm giác có thể hoàn toàn đặt niềm tin vào người nói câu đó.

Sau này, tôi đã bắt đầu tập nói câu này khi nhận được một việc gì đó. Điều tôi cảm nhận đầu tiên ngay khi phát ra từ chính mình là sự quyết tâm để hoàn thành công việc được giao. Nó không đơn giản là lời hứa với người giao công việc mà còn là cách để thúc đẩy bản thân. Ngoài câu nói này, người Nhật Bản còn có các câu nói thể hiện sự tự tin tùy theo từng trường hợp như: “Con sẽ đạt được điểm cao” trước khi đến trường hay: “Tôi nhất định sẽ giành chiến thắng” trước khi đi thi. Sẽ chẳng ai phán xét hay dè bỉu khi người nói chẳng may không đạt được kết quả cao nhất bởi ai cũng thấy sự quyết tâm cao độ trước khi họ làm việc.

 

Sự tự tin đôi khi chỉ bắt đầu từ một câu nói đơn giản. Trước khi bước vào cuộc thi, việc bạn nói mình muốn chiến thắng khác với nói câu tôi sẽ cố gắng hết sức

 

Quay trở lại chương trình truyền hình thực tế Mỹ, chúng ta có thể nhận thấy trẻ em Mỹ ngay từ nhỏ đã được dạy cách ăn nói đầy tự tin và đĩnh đạc, các em nói thật lòng điều mình mong muốn chứ không có thời gian tham dự cuộc thi để chơi hay học hỏi kinh nghiệm. Không phải vô cớ hay chỉ vì nghe hay hay mà chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Barack Obama lại chọn câu Yes, We Can (Phải, chúng ta có thể) để làm slogan. Câu khẩu hiệu đầy sự tự tin khiến cho nhiều người tin rằng người đàn ông đó có thể lãnh đạo một đất nước, truyền cảm hứng cho rất nhiều người khác và góp phần vào chiến thắng của ông Obama.

Khi đã ở trong một cuộc thi dù lớn hay nhỏ, cơ hội hoàn toàn được chia đều cho tất cả các thí sinh, đừng nghĩ rằng mình nhỏ tuổi hơn, đến từ một nơi chưa phát triển hay nghèo thì có nghĩa cơ hội chiến thắng sẽ ít đi. Thực tế đã chứng minh đó là điều không đúng. Tôi còn nhớ câu chuyện cô bạn kể về một lần sang Mỹ tham dự cuộc thi khá nổi tiếng dành cho thí sinh từ rất nhiều quốc gia. Đến ngày thứ hai, ai cũng chú ý đến một nhóm thí sinh đến từ Nigeria, một quốc gia rất nghèo ở châu Phi. Họ phải ở trong một nhà nghỉ rẻ tiền, bất tiện khi đi lại, ăn uống tiết kiệm từng đồng, thậm chí đến danh thiếp cũng không có mà phải tự thiết kế rồi in nhờ máy in của ban tổ chức và ngồi cắt ra. Vậy mà đội đó lại giành được giải thưởng lớn nhất của cuộc thi. Bạn tôi chia sẻ: “Mình được ngủ nghỉ trong khách sạn sang trọng, ăn uống đầy đủ hơn hẳn họ mà bài thi chẳng gây được ấn tượng gì”.

victory2-re

Nếu muốn học hỏi kinh nghiệm, bạn nên ở nhà và nhường cơ hội cho người có thể giành chiến thắng

Những cuốn sách dạy thành công hay làm giàu nổi tiếng đều đặt yếu tố tự tin lên hàng đầu hay tự tin là chìa khóa dẫn đến thành công. Vậy sao chúng ta không bắt đầu sự tự tin của bản thân từ một câu nói đầy quyết tâm? Nếu có cơ hội tham gia một cuộc thi, chúng tôi mong bạn sẽ tự tin nói thật to và tự tin rằng: “Tôi đến đây thi để dành chiến thắng”.

 

8 cách để tự tin hơn

Hãy tưởng tượng bạn chỉ có một thời gian nhất định để lấy sự tin để bước vào bàn đàm phán, một cuộc thi, một cuộc họp. Làm cách nào để tăng thêm sự tự tin chỉ trong một thời gian ngắn.

NẾU BẠN CHỈ CÓ 1 GIÂY: Hãy ngồi xuống thật thoải mái, tư thế thẳng lưng, mắt nhìn thẳng. Người có tư thế tốt sẽ có suy nghĩ tự tin hơn.

VỚI 2 GIÂY: Hãy chọn cho mình một mùi hương yêu thích. Một nghiên cứu đã cho thấy phụ nữ thường cảm thấy tự tin hơn trong xã hội, trong công việc và trong các tình huống lãng mạn khi xịt nước hoa.

VỚI 3 GIÂY: Tìm một bùa may mắn. Điều nay có thể hơi lạ lùng nhưng có một cái bùa may mắn sẽ giúp bạn thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Chẳng hạn như cầm trong tay một cái kẹp giấy có thể giúp tăng cao sự tự tin hơn khi phải đứng trước đám đông.

VỚI 5 GIÂY: Hành động gật đầu lắng nghe ý kiến của ai đó cho thấy bạn đang rất tự tin với những thứ bạn đang suy nghĩ.

TRONG 10 GIÂY: Tiến sĩ tâm lý học xã hội Laura Kray đã chứng minh việc mỉm cười hoặc tiếp xúc thân thể nhẹ khi đàm phán có thể giúp bạn giành thêm cơ hội vượt qua những đồng nghiệp khác.

NẾU BẠN CÓ 12 GIÂY: Hãy thể hiện sự tự tin bằng hành động. Chỉ cần nắm chặt lòng bàn tay, giơ cao khuỷu tay thể hiện sự quyết tâm cũng giúp bạn lấy thêm năng lượng. Các nhà tâm lý học cũng đưa ra gợi ý hành động mang đến sự tự tin là tìm một chỗ yên tĩnh, đứng yên, vỗ tay và hét lên “Yes” 5 lần. Sau đó bạn có thể đi ra và đối mặt với cả thế giới.

NẾU BẠN CÓ 2 PHÚT: Chọn một tư thế đứng khiến người khác phải nể sợ. Tư thế tốt nhất là hai chân bằng phẳng trên mặt đất, vai vuông, chống tay lên hông. Tư thế này giúp bạn tăng thêm 40% sức mạnh so với vòng tay ra trước ngực.

NẾU BẠN CÓ 10 PHÚT: Những người thường xuyên tập yoga hoặc thiền thường lấy lại sự bình tĩnh nhanh. Khi thở tốt, lời nói và suy nghĩ của bạn cũng sẽ bình tĩnh và tự tin hơn.

 

Bài: LAN ANH NGUYỄN. Ảnh: AFP, CORBiS, GETTY IMAGES.

Đừng bỏ qua