Ăn Tết vui, khỏe, ngon

Những ngày xuân đã cận kề. Ngoài vui chơi, ăn uống cũng là vấn đề được nhiều bạn gái quan tâm. Thế nào là một chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp duy trì vóc dáng sau các bữa tiệc thả ga?

Cả năm làm việc vất vả, ai cũng tận dụng vài ngày Tết để nghỉ ngơi, vui chơi và ăn uống bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, thật nghịch lý khi sau một kỳ nghỉ dài, cơ thể bạn trở nên uể oải thay vì hăng hái. Nguyên nhân là bạn không nạp đủ năng lượng. Bi kịch mất dáng của phái đẹp còn nghiêm trọng hơn. Chỉ trong vài ngày ăn Tết, có nàng tăng cân vùn vụt, người sụt cân không phanh. Quan niệm “Tết là ăn chơi cho bằng hết” đã lỗi thời. Vậy làm sao tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý để giữ vững phong độ sau những ngày tiệc tùng?

Bác sỹ Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM) : Bình thường, ba bữa ăn chính phải đủ bốn nhóm chất: bột đường, đạm, béo, rau và trái cây. Bữa ăn phụ gồm sữa, chế phẩm sữa, trái cây, bánh, kem… Nhu cầu năng lượng (tùy thuộc chiều cao, giới tính, mức độ lao động của mỗi người) sẽ thay đổi từ 1.200–2.800 kcal/người/ngày. Trong đó, tỷ lệ bột đường/đạm/béo là 60%:15%:25%. Bữa chính chiếm 1/4–1/3, bữa phụ chiếm 10–15% tổng năng lượng/ngày

bac-sy-thuy

Bác sỹ Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM)

THIẾU DINH DƯỠNG, DO ĐÂU?

Dường như ăn Tết đồng nghĩa với ăn tiệc. Trong đó, các món ăn truyền thống thường là thịt kho trứng, dưa hành, bánh chưng, canh măng chân giò, thịt đông… Tùy theo khẩu vị, mỗi gia đình còn chuẩn bị một loạt món chiên xào, giò chả… để bàn tiệc thêm phong phú. Thức uống đi kèm là bia, rượu, nước ngọt, nước ép. Bên cạnh đó, gia chủ còn chuẩn bị hộp mứt, bánh kẹo để mời khách nhâm nhi. Rau xanh trở thành thứ xa xỉ trên mâm cơm ngày Tết.

Hơn nữa, các món ăn giàu chất béo mau no còn luôn trong tình trạng hâm đi hâm lại suốt nhiều ngày, càng làm cho bữa ăn trở nên ngán hơn bình thường. Đó là chưa kể nhiều bạn gái, do không có nhiều thời gian vào bếp, không thể tự tay gói bánh chưng, làm củ kiệu, dưa món, giò chả nên chỉ cần chạy ra chợ hoặc siêu thị là có thể rinh về, sẵn sàng cho những ngày Tết đến. Thức ăn mua sẵn thường có hàm lượng muối cao, ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng của bạn trong ngày Tết.

an tet vui khoe 1

Các món ăn ngày Tết thường có ít rau xanh

HẬU QUẢ KHÔNG ÍT

Ai cũng biết thức ăn nhiều dầu mỡ là kẻ thù của phái đẹp. Chúng gây ra chứng khó tiêu, tăng năng lượng khẩu phần hàng ngày, tích tụ mỡ, tăng cân nhanh. Nếu ăn quá nhiều mỡ hay thức ăn giàu cholesterol, bạn còn dễ mắc chứng rối loạn mỡ máu gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp và các bệnh tim mạch. Uống nhiều rượu, bia, nước ngọt làm vòng eo không còn thon thả, tổn thương gan.

Giò chả mua sẵn dễ bị nhiễm hàn the (chất bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm), bánh chưng có nguy cơ bị luộc với pin để lá thêm xanh. Vậy là ngược lại với quan niệm “ăn gì bổ nấy”, giờ đây bạn có nguy cơ ngộ độc thực phẩm, cân nặng sụt giảm không ít. Các món ăn vặt như bánh kẹo, mứt… không cung cấp đủ năng lượng nhưng lại gây ra hiện tượng no ngang, khiến bạn không ăn đủ khi vào bữa chính.

Còn với người thừa cân béo phì, khả năng nạp thức ăn vô hạn sẽ càng được khuyến khích cả khi ăn vặt lẫn chính. Vô số thức ăn giàu chất béo, nhiều bột đường được nạp vào cơ thể. Theo đà đó, việc tăng 2–3kg chỉ trong vài ngày là lẽ đương nhiên.

ĂN THẾ NÀO CHO DINH DƯỠNG

dinh-duong

Để đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý và sức khỏe ổn định trong những ngày Tết, bác sỹ Yến Thủy dành vài lời khuyên bổ ích cho các cô gái Her World.

1. LÊN LỊCH ĐI CHƠI TẾT VÀ CHUẨN BỊ THỰC ĐƠN để có kế hoạch mua sắm cũng như dự trữ thực phẩm hợp lý. Hạn chế trường hợp trữ thức ăn quá nhiều nhưng không dùng hết. Việc làm này không chỉ gây dư thừa, lãng phí mà còn dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu bạn ăn phải thức ăn quá hạn sử dụng.

2. KHI MUA SẮM VÀO NHỮNG NGÀY CẬN TẾT (29, 30 âm lịch), ngoài việc chọn thực phẩm tươi sống hoặc thức ăn đóng gói sẵn còn hạn sử dụng, bạn nên mua rau xanh và trái cây dự trữ. Các loại rau củ để lâu được như bí, bầu, su su, cà-rốt, bắp cải thích hợp cho các ngày sau đó.

3. TÙY LOẠI THỰC PHẨM MÀ CÓ THỜI GIAN BẢO QUẢN KHÁC NHAU. Thực phẩm tươi sống chứa nhiều chất dinh dưỡng và ít bị hư hỏng. Tuy nhiên dịp Tết, nhiều siêu thị, cửa hàng đóng cửa nên bạn cần phải mua thực phẩm dự trữ. Thời hạn để chúng trong tủ lạnh tối đa chỉ từ ba đến năm ngày.

4. TẠM NGƯNG THỨC ĂN, THỨC UỐNG VẶT TRƯỚC BỮA ĂN CHÍNH HAI GIỜ. Hạn chế thức ăn năng lượng rỗng (cung cấp calorie nhưng không kèm vitamin hay khoáng chất) như bánh kẹo, mứt, nước ngọt, bia rượu… Thay vào đó, hãy ăn các loại trái cây phù hợp với thể trạng dinh dưỡng. Chẳng hạn như người gầy nên ăn dưa hấu, xoài chín, nhãn; người béo ăn thanh long, củ sắn, táo, bưởi…

an tet vui khoe trai cay

Ăn trái cây thay cho bánh kẹo để đảm bảo sức khỏe

5. KHI ĂN các món chiên xào, bánh chưng… nên kèm thêm rau, đồ chua, dưa món…

6. CÁC LOẠI ĐỒ NGUỘI, chả lụa, xúc xích, thịt xông khói, đồ hộp chứa khá nhiều muối. Vì vậy, bạn cần hạn chế cả số lượng và tần suất ăn trong tuần.

7. CỐ GẮNG GIỮ SỐ BỮA ĂN VÀ TUÂN THỦ GIỜ ĂN càng giống ngày thường càng tốt.

8. CHÚ Ý VẤN ĐỀ VỆ SINH an toàn thực phẩm (nếu bạn ở miền Nam) vì nhiệt độ nắng nóng ngày Tết là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi.

9. ĂN NHIỀU RAU vì chúng cung cấp nhiều vitamin, chất xơ, nước, lại ít năng lượng nên giúp bạn chóng no mà không tăng cân. Cần tính toán lượng dầu ăn, đường, nước mắm khi chế biến rau trộn, salad… sao cho năng lượng chúng cung cấp không quá nhiều.

mon-truyen-thong

Các món ăn truyền thống ngày Tết: thịt đông, canh măng chân giò, củ kiệu

Her World Việt Nam

BÀI: LÊ VY NGUYỄN. ẢNH: TƯ LIỆU.

Đừng bỏ qua