Đi du lịch là phải chia sẻ ảnh?

Sở thích tải ảnh lên mạng xã hội khi đi du lịch không chỉ là nỗi khổ của chủ nhân tấm ảnh mà còn tạo ra sự phiền toái, chán ghét với bạn đồng hành và bạn bè trên mạng xã hội

Năm 1790, Bishop George Berkeley, nhà triết học Ireland, người từng đưa ra Học thuyết duy tâm chủ quan, đã đặt ra căn nguyên của một vấn đề mà sau này trở thành câu hỏi mang tính chất triết học: “Nếu một cái cây ở trong rừng bị đổ xuống nhưng chẳng ai nghe được tiếng đổ của nó, vậy liệu cái cây có thực sự tạo ra âm thanh không?”.

Ba thế kỷ sau, khi chúng ta đang sống trong xã hội hiện đại, dường như câu hỏi này của Bishop George Berkeley vẫn thích hợp hơn bao giờ hết: “Nếu bạn du lịch đến một bãi biển tuyệt đẹp nhưng chẳng có điện thoại thôngminh  để đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội như Instagram hay Facebook, liệu kỳ nghỉ trên bãi biển kia có từng tồn tại?”. Câu trả lời là không. Nếu bạn nhìn vào số lượng ảnh được tải lên các mạng xã hội mỗi ngày hay mỗi giờ, theo dõi bất cứ ai đang trên đường du ngoạn, bạn sẽ thấy câu trả lời này chẳng có gì sai.

Năm ngoái, tôi có dịp tham gia một lớp học của giáo sư tâm lý học Cary Cooper, ông hiện đang làm việc tại trường Đại học Lancaster, Mỹ, với nội dung: Những căn bệnh tâm lý do mạng xã hội mang lại. Cary Cooper đưa ra cảnh báo: “Những người đang bỏ quá nhiều thời gian để chụp ảnh, tải chúng lên mạng và bình luận chúng trong khi du lịch khiến họ không thể thư giãn và mất đi tính tương tác với bạn bè hoặc các thành viên khác trong gia đình đi cùng với họ. Họ bị cuốn vào những hoạt động ảo”.

chup anh 1

NGƯỜI KHOE CŨNG KHỔ, BẠN ĐỒNG HÀNH CŨNG VẠ LÂY

Nếu như những người nghiện mạng xã hội khổ sở với việc tìm mạng Internet khi đi du lịch thì người thích khoe ảnh trên mạng xã hội lại khổ gấp đôi, vì họ còn phải đầu tư vào việc chụp ảnh sao cho thật đẹp để đưa lên cho bạn bè xem. Nỗi khổ của họ còn tiếp diễn khi không thể có thời gian thưởng thức cảnh đẹp mà quan trọng hơn là phải săn bằng được một tấm ảnh đẹp. Rồi phải dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh, màu sắc và đưa lên mạng. Tiếp nữa là liên tục chúi mũi vào điện thoại để kiểm tra số lượng like, trả lời các bình luận từ bạn bè. Cứ như thế tiếp diễn trong suốt chuyến đi khiến nhiều người sau khi đi du lịch về chỉ nhớ mọi thứ từ những tấm ảnh, còn mắt thường thì không kịp nhìn thấy.

Tôi có một người bạn rất đam mê chụp ảnh, anh thích chụp ảnh phong cảnh tự nhiên. Anh kể, có lần một nhóm bạn rủ anh đi Tây Bắc vào mùa lúa chín, anh hăm hở lên đường mà không chần chừ vì nghĩ đến những tấm ảnh đẹp chụp ruộng lúa bậc thang chín vàng có thể thu hoạch được sau chuyến đi. Ngờ đâu, trong nhóm có hai cô gái còn đam mê chụp ảnh bằng điện thoại thông minh để đưa lên mạng hơn anh chụp ảnh nghệ thuật, mà khổ nỗi tấm ảnh đưa lên bắt buộc phải có mặt họ trong đó.

Trước cảnh đẹp, ai cũng muốn thu lại từng góc bằng mắt thường lẫn máy ảnh thì hai cô gái kia cứ nhảy vào đòi chụp ảnh, đã vậy còn bắt anh hạ máy ảnh của mình xuống để chụp bằng điện thoại nhằm mục đích đưa lên mạng cho nóng hổi. Cứ như vậy suốt năm ngày trong chuyến đi, anh không thể sáng tác ra hồn, chưa kể các cô gái còn nhờ anh chụp đi chụp lại một góc ảnh hàng chục lần để chọn ra tấm ảnh đẹp nhất.

1

Nếu bạn từng đi du lịch với một người như vậy, bạn sẽ thấu hiểu được nỗi khó chịu của anh bạn tôi. Đi du lịch với nhóm bạn hay gia đình, điều vui nhất là sự hòa đồng và hưởng ứng của mọi người. Tuy nhiên, với những người bận bịu cùng chiếc điện thoại, họ trở thành nhân vật đơn độc, lạc lõng bởi những người bạn cùng đi thực sự với họ không phải là những người ngồi chung xe, ngủ cùng phòng, tận hưởng chung cảnh đẹp mà là những người trên mạng xã hội.

Khi đứng trước cảnh đẹp đã vậy, lên xe họ cũng dán mắt vào điện thoại để chỉnh sửa ảnh. Giờ ăn cũng chẳng khá hơn. Anh bạn tôi chép miệng, điều bực nhất đó là họ không để tâm hay tham gia hoạt động với những người đi cùng, cứ chúi đầu vào điện thoại với những tấm ảnh. Mọi người bàn bạc về chuyến đi, họ không nghe, đến khi mọi người đã xong xuôi mới hỏi lại. Họ ăn uống cũng chậm trễ khiến mọi người phải chờ đợi.

2

Theo thống kê, đến tháng 7–2013, Việt Nam là quốc đứng thứ 16 trên thế giới về tỷ lệ tăng trưởng lượng người sử dụng Facebook.

189 là số lượng bạn bè trung bình mỗi tài khoản Facebook tại Việt Nam đang sở hữu.

3,04 triệu là số lượng người dùng đăng nhập vào Facebook tại Việt Nam mỗi ngày.

19,6 triệu là tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam vào thời điểm tháng 8–2013, chiếm 21,42% dân số, tương đương với 71,4 % người sử dụng Internet.

 MỘT PHƯƠNG PHÁP LÀM PHIỀN ĐÁNG SỢ

Trong một đoạn clip với chủ đề: The Internet in 60 seconds” của trang web BuzzFeed đưa ra vào giữa năm 2013 cho thấy, cứ mỗi một phút có khoảng 27.800 tấm ảnh được tải lên mạng xã hội Instagram. Cũng với thời gian đó, số ảnh được đưa lên Facebook là 208.300 tấm. Tháng 9 năm 2013, Facebook lần đầu tiên công bố sự thật rằng đến thời điểm đó, người dùng Facebook đã đưa lên Facebook khoảng 250.000 tỷ tấm ảnh và có khoảng 350 triệu ảnh tải lên Facebook mỗi ngày.

Với con số hơn 1,15 tỷ người sử dụng lúc đó, mỗi người dùng trung bình tải lên Facebook 217 tấm ảnh, con số này không bao gồm các tấm ảnh được tải lên Instagram. Mạng xã hội Snapchat cũng đưa ra con số tương tự như Facebook dù người dùng ít hơn. Giờ đây, việc tải hình ảnh lên mạng xã hội là một nhu cầu không thể thiếu của những người dùng mạng xã hội. Ai cũng biết, một tấm ảnh chụp đúng lúc, đúng chỗ, đúng thứ cần khoe còn có sức mạnh hơn cả trăm lần một status dài dòng.

Với những người ở nhà, khi theo dõi hình ảnh trong chuyến đi của bạn, họ cũng chỉ đủ sức bấm like vài lần, còn sau đó tâm lý chung là đều chán ngấy khi khuôn mặt bạn xuất hiện liên tục. Đó là chưa kể những người có sở thích đi du lịch và tải lên một lúc vài chục, thậm chí hàng trăm tấm ảnh trong một album. Có những tấm ảnh được chụp đi chụp lại cùng một góc chụp, một tư thế. Bất cứ ai nhìn vào cũng phát ngán, nó không có bất cứ thông tin gì ngoài việc cho thấy chủ nhân của những tấm ảnh đang đi du hí. Dám cá là không một ai trong số bạn bè của họ đủ sức để click chuột vào từng tấm ảnh mà chỉ xem dạng thu nhỏ trong mấy tấm ảnh đầu theo đúng định dạng của Facebook. Tôi cho rằng đó là một cách làm phiền bạn bè trên mạng một cách đáng sợ nhất.

chup anh 3

Điển hình nhất là trường hợp một cô gái người Mỹ tên là Arielle Stevens đã dành 8 tháng trời để tải 12 triệu tấm ảnh cô chụp trong chuyến du lịch châu Âu 6 ngày lên Facebook vào cuối năm 2012. Album ảnh Eurotrip 2012 của Arielle Stevens có dung lượng 15 terabyte dữ liệu được tải về từ 960 chiếc thẻ nhớ dung lượng 16GB. Mỗi thẻ nhớ ghi lại những dấu mốc, những nhà hàng, quán xá, tòa nhà và các cao ốc, cây xanh, các loài động vật, con người, khách sạn, bảo tàng, các môn thể thao, các phương tiện giao thông, thời tiết và những điều thú vị nhất mà Stevens và người bạn thân Danielle Lu gặp trên đường đi.

Khi được hỏi, Arielle còn hào hứng chia sẻ: “Sau chuyến du lịch, vui nhất là phần chia sẻ những tấm ảnh đã chụp trong chuyến đi với bạn bè để họ có thể cảm nhận được chút ít những điều tôi đã trải qua”. Dù mất khá nhiều thời gian và công sức để phân loại ảnh cũng như tải lên Facebook nhưng album ảnh của cô chỉ có ba lượt like, có lẽ bạn bè của Arielle dường như không cảm nhận được nhiều về chuyến đi thì phải.

Vài tháng trước, trong lúc tám chuyện với một nhóm bạn gái, tôi được nghe họ kể về một cô gái đi du lịch với họ nhưng suốt cả chuyến đi cô ấy gần như không tương tác với những người xung quanh hay bận tâm đến cảnh đẹp. Thế nhưng, trên Facebook của cô, ngoài các tấm ảnh đẹp thì kèm theo những status kiểu như: “Đi chơi với bạn bè quá vui. Được ngắm cảnh đẹp và tha hồ tám đủ thứ chuyện trên đời”. Trên mạng xã hội, bạn có quyền “chém gió” thoải mái miễn sao điều đó vô hại và không vi phạm luật pháp, nhưng cô ấy đã lừa dối những người bạn thực sự bên cạnh mình trong cả chuyến đi.

Tôi cũng có dịp cảm nhận điều này khi có một chuyến đi công tác nước ngoài, đối tác còn mời một blogger nam khá nổi tiếng trên Facebook với mục đích giúp họ quảng bá về sản phẩm của họ. Trong suốt chuyến đi, bằng sự chuyên nghiệp của một blogger, anh chỉ chụp ảnh theo phong cách “tự sướng”. Dẫu vậy, mỗi tấm ảnh “tự sướng” phải chụp hơn 20 lần mới đạt khiến không ít lần cả đoàn phải chờ đợi để anh chụp ảnh xong. Suốt cả chuyến đi, mỗi lần anh ta lên tiếng là chỉ nghe phàn nàn về mạng 3G, không thể tải ảnh lên hay đọc bình luận. Lúc đầu mọi người còn bỏ qua vì tính chất công việc của một blogger là phải nhanh chóng cập nhật thông tin nhưng chỉ sau 3 ngày, cả đoàn đã có một cuộc họp yêu cầu anh ta hoặc phải theo đúng lịch trình hoặc cả đoàn sẽ đi tiếp mà không chờ đợi.

face

HÃY TẬN HƯỞNG CHUYẾN ĐI BẰNG CÁCH RỜI BỎ ĐIỆN THOẠI

Vài tháng trước, mục tin tức ẩm thực của Her World có đăng một tin đại ý rằng các đầu bếp tại những nhà hàng của Pháp đã lên tiếng chỉ trích thói quen chụp ảnh món ăn của thực khách trước khi ăn. Khi đọc tin, tôi thấy hơi bất ngờ vì việc thực khách chụp ảnh và tải món ăn lên mạng xã hội cũng là một cách để nhà hàng thu hút thêm khách. Quan điểm của người làm bếp lại khác. Việc chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng không tốt của nhà hàng sẽ khiến món ăn không đúng với màu sắc vốn có. Quan trọng hơn hết, sau khi thực khách chụp hơn cả chục tấm ảnh món ăn, dành thời gian chỉnh sửa, tải lên mạng thì đĩa thức ăn đã nguội bớt, làm giảm đi vị ngon thực sự mà đầu bếp đã dày công chuẩn bị, đặc biệt là những món cần ăn nóng mới cảm nhận hết được vị ngon.

Thế mới thấy, việc chúng ta thích thú với việc chụp ảnh để đưa lên mạng xã hội, cái lợi duy nhất là khoe với những người đôi khi cả chục năm bạn không gặp gỡ, nhận những lời khen đãi bôi hoặc sự trầm trồ ghen tỵ với mục đích khiến bạn cảm thấy vui trong chốc lát nhưng cái hại thì vô số. Tôi nghĩ, chẳng nhóm bạn nào thích thú khi có một người trong nhóm check-in và tải ảnh đi du lịch liên tục mà quên đi sự hiện diện của họ, thậm chí đứng ngoài mọi hoạt động của nhóm. Cũng chẳng ai dám rủ một cô gái đi du lịch mà cứ 30 phút lại thấy thêm một hình ảnh mới của cô ấy trên News Feed. Họ quá hiểu rằng đó không phải là người thích hợp để đi du lịch cùng hay chia sẻ cảm giác hạnh phúc khi chiêm ngưỡng cảnh đẹp.

3

Nói lại chuyện nhà hàng, vài tuần sau tôi có đọc được tin một nhà hàng ở thủ đô Paris, Pháp, đưa ra giải pháp cho những thực khách thích tải ảnh lên mạng khi họ dành hẳn một góc để thực khách có thể chụp món ăn. Đó là một studio nhỏ với phông nền trắng, ánh sáng chuẩn để khách có thể mang đĩa đồ ăn đến chụp mà không làm mất đi màu sắc gốc. Còn với việc đồ ăn bị nguội, chẳng còn cách nào khác là thực khách phải tự chịu, họ phải quyết định giữa việc thưởng thức một món ăn ngon đúng nghĩa hay tải ảnh lên mạng.

Cuộc sống quả là thú vị khi được chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và cảm giác thích thú khi được đến những vùng đất mới, trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau, học hỏi thêm những điều mới lạ nhưng đừng để việc chia sẻ ảnh làm bạn mất đi niềm vui thực sự của chuyến đi. Bản thân tôi cũng sử dụng điện thoại thông minh và thích chụp ảnh mình với những cảnh đẹp khi đi du lịch, tôi tin là bạn cũng có hàng trăm tấm ảnh như thế trong điện thoại.

Tuy nhiên, tôi chỉ chụp khi những người đi cùng không cảm thấy phiền hoặc không chui vào khung cảnh ấy để phá vỡ bức tranh đẹp. Khi đã nằm trong phòng khách sạn, có thời gian thoải mái để nghỉ ngơi, tôi vẫn có thể tải lên một tấm ảnh đã chụp mà tôi thích nhất trong ngày và tôi tin những cái like hoặc lời bình luận từ bạn bè đều là thật lòng chứ không phải những thứ ảo. Thi thoảng, khi chuyến đi đã kết thúc từ lâu, tôi vẫn có thể đưa ảnh lên như một ký ức đẹp và thêm động lực để đi tiếp. Khi muốn lưu những tấm ảnh trên mạng theo dạng album, hãy để nó ở chế độ cá nhân. Thậm chí, có những chuyến đi tôi quyết định bỏ hẳn điện thoại một bên vì muốn được ở trọn vẹn với những người bạn hoặc người thân. Còn bạn, bạn có làm được điều đó không?

BÀI: NHƯ NGỌC. ẢNH: GETTY IMAGES.

Her World Việt Nam

Đừng bỏ qua