Kỹ năng sống: Ứng xử thế nào nếu bị hỏi ‘Khi nào lấy chồng đây?’

Đây là câu hỏi chán ngắt, vô duyên và ngớ ngẩn nhất dành cho những cô gái chưa chồng. Dẫu vậy, đôi khi ta vẫn nghe nó như một sự giễu cợt đầy trớ trêu và chỉ có sự bản lĩnh mới khiến ta không phát điên

Dám cá là bạn, một cô gái chưa lập gia đình, không ít lần bị hỏi câu này. Về mặt văn hóa, đối với đa số người Việt Nam thì đây là câu hỏi mang tính xã giao, cũng tương tự như ra đường gặp người quen sẽ được hỏi: Đi đâu đấy? Dạo này khỏe không? Có gì mới không? Đã là câu hỏi xã giao thì nhiều khi không nhất thiết phải trả lời nhưng với câu hỏi này lại là chuyện khác. Nếu không trả lời, bạn có khả năng đang bị ế, bị có vấn đề, còn trả lời thì chẳng có câu nào khiến người hỏi hài lòng. Người hỏi lại có quyền cho rằng họ hỏi vì quan tâm đến bạn, đặc biệt là người càng thân thiết, anh em bà con thì lại càng dễ hỏi câu này.

marriage1-re1

Chỉ có một đám cưới mới có thể ngăn câu hỏi này ngừng xuất hiện bên tai

Câu hỏi xuất phát từ thói quen

Đã nói là thói quen xuất phát từ văn hóa không có nghĩa đúng trong mọi trường hợp. Văn hóa đôi khi chỉ là sự lặp lại một cách vô thức và việc đặt câu hỏi này cũng vậy. Chúng ta biết người phương Tây rất kị với câu hỏi tuổi tác, chuyện cá nhân và lương bổng thì có lẽ câu hỏi này cũng đã đến lúc được liệt vào danh sách những câu hỏi “bị cấm sử dụng” tại Việt Nam.

questionsanswers1-re

Đã vậy, đây là câu hỏi mà xét cho cùng thì chẳng có câu trả lời nào khiến người hỏi hài lòng. Họ có sẵn một lộ trình để khiến người được/bị hỏi cảm thấy việc mình chưa lập gia đình là một cái tội. Nếu bạn trả lời rằng chưa có người yêu, họ sẵn sàng ghép cho bạn tội kén chọn quá mức. Nếu câu trả lời của bạn là đã có người yêu nhưng muốn tập trung lo cho công việc, tài chính ổn định, bạn sẽ nhận được lời khuyên rằng con gái đến tuổi thì lấy chồng đi, sự nghiệp chỉ là thứ vớ vẩn so với một gia đình đầm ấm. Trong trường hợp bạn trả lời chưa muốn hoặc không có ý định lấy chồng, ít nhất là lúc này, bạn là người lập dị trong mắt họ.

…Và không tồn tại câu trả lời hợp chuẩn

Trên thực tế, câu hỏi này chẳng hại gì đến ai nếu người nghe hài lòng với tất cả các kiểu trả lời mà chúng ta đưa ra, nhưng điều này lại không hề tồn tại. Họ sẵn sàng hỏi đi hỏi lại, thấy mặt là hỏi, kể cả mới hỏi tuần trước. Nếu bạn về quê, tần suất nghe câu hỏi này cao đến mức bạn sẽ tự biến mình từ một người vui vẻ thành một con nhím, sẵn sàng xù lông khi nó lặp lại bên tai. Thế nhưng, kể cả khi bạn phản ứng mạnh mẽ bằng cách tỏ ra khó chịu, không muốn nghe và cũng không muốn trả lời, họ sẵn sàng xì xầm sau lưng rằng đó chính là lý do đến giờ bạn vẫn chưa có người yêu. Chuỗi tâm lý này sẽ không có hồi kết và chỉ kết thúc khi bạn gửi thiệp cưới.

wed card

Nghe câu hỏi này từ người lớn tuổi, chúng ta có thể bỏ qua vì họ sống ở một thế hệ xem trọng việc con gái đến tuổi phải lập gia đình nhưng ngay cả những đứa bạn cùng thế hệ cũng không thoát khỏi thứ văn hóa kỳ cục này. Chúng ta trốn họp lớp, họp mặt bạn đại học cũng chỉ vì không muốn nghe câu hỏi mà đến ông Trời cũng không thể cho bạn câu trả lời.

Đối phó với câu hỏi này ra sao?

Nếu cho rằng không có câu trả lời nào khiến họ hài lòng thì cách tốt nhất là không trả lời gì, cứ cười cho qua chuyện. Nếu đơn giản vậy thì thế giới đã không có chiến tranh. Càng im lặng, họ càng suy diễn và bạn sẽ là cô gái mà họ đã có trong tất cả các câu trả lời trên kia cộng lại.

Hãy hài hước

Tạm thời đây là cách hay nhất để đối phó với câu hỏi dạng này. Sự hài hước sẽ khiến người đối diện bớt quan tâm đến chủ đề mà họ muốn nhắm đến. Hơn nữa, câu hỏi này chỉ mang tính xã giao kiểu như hỏi cho có chuyện, giống như câu chúng ta vẫn hay hỏi nhau: “Dạo này khỏe không?” hoặc “Đang đi đâu đấy?” Người hỏi chỉ như một cái máy chứ chưa chắc đã muốn biết câu trả lời. Vậy nên bạn có trả lời: “Ừ, đang tính” hoặc “Đang sắp xếp”, người hỏi chưa chắc đã hỏi thêm.

marriage2

Chỉ có sự hài hước mới khiến người hỏi tạm thời quên đi việc tìm câu trả lời và ngừng đưa ra phán xét việc bạn chưa lập gia đình

Tuy nhiên, với những trường hợp hỏi dai dẳng và muốn thuyết giảng thêm về chuyện tình yêu, hôn nhân và gia đình, bạn phải có chiêu khác để đánh lạc hướng. Sau đây là một vài chiêu.

“Mình có nhiều câu trả lời lắm. Tùy thuộc vào việc người hỏi muốn thế nào mình sẽ có câu trả lời thế ấy. Bây giờ bạn có muốn hỏi sâu và chi tiết hơn để mình chọn câu trả lời cho phù hợp không?”

Câu trả lời này cho thấy bạn hoàn toàn không đánh trống lảng hay né tránh vấn đề, thậm chí còn muốn một câu hỏi chi tiết để có thể đáp ứng một câu trả lời cụ thể hơn. Trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác sẽ khiến người hỏi mất đi thế chủ động và bạn mới chính là người cầm cương cho câu chuyện. Câu trả lời này cũng cho người kia thấy bạn đã thực sự quen với kiểu câu hỏi dạng này đến mức thấy nó không đáng hỏi. Đảm bảo, chính người hỏi sẽ phải từ bỏ trước ý định ban đầu của họ.

Wedding-rings

“À, mọi thứ đã sẵn sàng rồi, mình chỉ đang đợi chú rể xuất hiện nữa thôi”. Hoặc: “Chuẩn bị đi dự đám cưới nha. Mình đã chọn được ngày cưới rồi, chỉ còn việc chọn năm thích hợp nữa thôi”.

Câu trả lời chẳng đâu vào đâu này sẽ khiến người nghe ngay lập tức quên đi câu hỏi và cười xòa trước sự hài hước và lạc quan của bạn.

“Ủa, hỏi làm gì vậy?”

Câu trả lời này dành cho những người không mấy thân quen, đúng kiểu hỏi cho có. Chẳng hạn, đó là cô bạn học cùng trường hồi cấp hai, cách lớp bạn hai dãy nhà vừa tình cờ gặp lại và cô nàng đang tỏ ra rất tự hào khi đã kịp lập gia đình từ khi mới học xong cấp ba và đã có hai đứa con kháu khỉnh. Hy vọng cô ấy sẽ hiểu câu trả lời của bạn và tự thấy mình hỏi một câu rất vô duyên và đang xía vào chuyện đời tư của người khác một cách không cần thiết.

 

Bài: THƯ NGUYỄN.

Đừng bỏ qua