Tất tần tật về các loại gạo trên thế giới

Ngoài gạo trắng quen thuộc, trên thế giới còn có rất nhiều loại gạo có màu sắc khác nhau

Điều đặc biệt là chúng đều chứa thành phần tốt cho sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, giúp người ăn kiểm soát lượng đường trong máu.

GẠO TÍM

Trong lịch sử, gạo tím là loại gạo quý hiếm, chỉ được trồng riêng để phục vụ cho vua chúa vào thời nhà Minh ở Trung Quốc. Phiên bản gần của gạo tím chính là gạo đen, đây là loại gạo có hương thơm và đổi sang màu tím sẫm khi được nấu lên. Chúng ta vẫn thường gọi gạo tím là gạo nếp than.

gao tim

Dinh dưỡng

Gạo tím giàu chất chống ô-xy hóa. Chất chống ô-xy hóa trong gạo tím thậm chí được đánh giá ngang ngửa quả việt quất. Lượng chất sắt có trong gạo tím cũng gấp đôi so với trong gạo nâu.

Món ăn phổ biến

Gạo tím là thành phần chính trong nhiều món ăn truyền thống của người dân các quốc gia châu Á như cơm gạo tím nước cốt dừa, salad gạo tím và dưa chuột, các món ăn thực dưỡng dành cho người ăn chay hoặc người đang có nhu cầu giảm cân…

GẠO HOANG

Trong tiếng Anh, loại gạo này có tên gọi là wild rice (gạo hoang) vì được thu hoạch trên các đồng cỏ hoang dã gần những dòng suối nông và hồ nhỏ ở khu vực Bắc Mỹ. Loại này không cùng loại với các loại gạo châu Á mà chúng ta đã biết.

gao hoang

 

Dinh dưỡng

Đây là loại gạo giàu vitamin C, E và lượng folate. Gạo hoang có hàm lượng calorie và carbonhydrate thấp, ít chất béo nên thích hợp cho những người đang muốn ăn kiêng. Theo tính toán, một bát cơm được nấu từ gạo hoang có thể cung cấp khoảng 5% hoặc hơn giá trị dinh hàng ngày của các chất thiamin, riboflavin (vitamin B2), sắt, và kali; 10% hoặc hơn dinh dưỡng hàng ngày của niacin (Vitamin B3), B6, folate, magiê, phốt pho; 15% của kẽm; và hơn 20% của mangan.

Món ăn phổ biến

Gạo hoang thường được chế biến thành món cơm thập cẩm nấu cùng nấm đất và mùi tây hoặc cơm ăn cùng gà hầm với hạnh nhân nướng.

GẠO NÂU

Đây chính là gạo trắng chưa được xát lớp cám gạo và có tên quen thuộc là gạo lứt. Loại gạo này rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là các sinh tố và nguyên tố vi lượng.

gao nau

Dinh dưỡng

So với gạo trắng, gạo lứt chứa lượng chất xơ cao hơn gấp năm lần và gấp đôi lượng chất sắt. Ngoài ra, gạo lứt còn chứa các vitamin như B1, B2, B3, B6; các axit như pantothenic, para-aminobenzoic, folic, phytic; các nguyên tố vi lượng như canxi, sắt, magie, selen, glutathione, kali và natri. Lớp cám của gạo lứt cũng chứa một chất dầu đặc biệt có tác dụng điều hòa huyết áp, làm giảm cholesterol xấu, giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch.

Món ăn phổ biến

Có thể chọn gạo lứt thay thế gạo trắng để ăn hàng ngày. Ngoài ra, người Việt còn làm bún, phở, miến từ gạo lứt hoặc nấu cháo hay cuộn sushi.

GẠO ĐỎ

Còn được biết với cái tên mỹ miều là gạo huyết rồng. Đây là giống gạo màu đỏ nâu, khi bẻ đôi hạt gạo bên trong vẫn còn màu đỏ, gạo nấu cơm thơm ngậy. Cơm nấu từ gạo huyết rồng bùi, càng nhai càng có vị ngọt và béo.

gao do

Dinh dưỡng

Nhiều người Việt Nam có thể dễ bị nhầm lẫn giữa gạo huyết rồng và gạo lứt đỏ. Gạo lứt đỏ khi bẻ ra bên trong có màu trắng. Gạo huyết rồng giàu thành phần chống oxi hóa, chứa nhiều nguyên tố vi lượng. Gạo huyết rồng còn giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch, phòng ngừa bệnh ung thư, giảm lượng cholesterol trong máu, giảm nguy cơ béo phì.

Món ăn phổ biến

Gạo huyết rồng thường được ăn cùng muối mè, lạc (đậu phộng) để bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra bạn vẫn có thể nấu loại gạo này để ăn cơm như thông thường hoặc rang gạo, xay bột uống với sữa.

GẠO ĐEN

Loại gạo có màu đen và thường được bán dưới dạng nguyên cám. Gạo đen là loại gạo được người châu Á quan tâm trong nhiều thế kỷ vì sự đặc biệt của nó.

gao den

Dinh dưỡng

Gạo đen chứa lượng protein cao nhất trong số các loại gạo trên thế giới hiện nay. Lượng chất xơ của gạo đen còn cao hơn ba lần so với gạo nâu (gạo lứt).

Món ăn phổ biến

Người dân châu Á thường dùng gạo đen để nấu các món ăn có vị ngọt. Bạn có thể thử món chè gạo đen nấu cùng nước cốt dừa và chuối.

Her World Việt Nam

Đừng bỏ qua