Làm sếp tốt không khó như bạn nghĩ

Chốn văn phòng tốt được đánh giá qua 3 tiêu chí: môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhân viên năng động và sếp giỏi giang. Nếu đang ở cương vị quản lý, bạn có tự tin mình chiếm được cảm tình của tất cả nhân viên?

Bạn là nhà quản lý giỏi, điều hành công việc một cách trơn tru và luôn tỏ ra thấu hiểu nhân viên. Tuy nhiên, các yếu tố đó chưa đủ để bạn được tất cả mọi người ngưỡng mộ. Sẽ có đôi lúc bạn tự hỏi: “Trong mắt đồng nghiệp và cấp dưới, mình có phải một người sếp tốt, xứng đáng được nhân viên nể phục?”. Hãy để ý phương thức giao tiếp của cấp dưới với mình. Nếu có bất kỳ một trong các dấu hiệu dưới đây, bạn nên điều chỉnh cách làm việc cũng như lối ứng xử để đạt được sự đồng thuận tuyệt đối từ nhân viên.

1. Họ tránh giao tiếp với bạn bằng mắt

Một nhân viên cảm thấy thoải mái khi trao đổi công việc với bạn sẽ không né tránh ánh nhìn của bạn. Trong các cuộc họp, nếu mọi người vui vẻ trò chuyện cùng nhau nhưng khi bạn cất tiếng, không ai dám nhìn thẳng vào mắt bạn thì hãy coi chừng. Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất về việc bạn là một người sếp chuyên quyền, không có niềm tin với cấp dưới.

2. Họ ngừng nói chuyện khi thấy bạn đứng xung quanh hoặc tiến lại gần

Những cuộc nói chuyện phiếm/tán gẫu ngoài công việc là rất cần thiết. Chúng giúp xoa dịu môi trường công sở vốn căng thẳng và bận rộn. Tuy nhiên, thật đáng báo động đỏ nếu nhân viên đang hào hứng nói chuyện ngay lập tức im bặt vì thấy bạn lại gần. Câu chuyện chỉ được tiếp tục khi bạn đi sang phòng khác. Bạn nghĩ thái độ này nói lên điều gì? Nó cho thấy những người xung quanh không xem bạn là một phần tử của nhóm họ. Bạn chỉ là người sếp chốn văn phòng không hơn không kém. Ra khỏi bàn giấy, họ không muốn bạn tham gia vào các cuộc vui.

3. Họ dành cho bạn câu trả lời không-thể-ngắn-hơn

Bạn đặt ra vô số câu hỏi trong cuộc họp, khơi gợi nhân viên phát biểu và đóng góp ý tưởng mới. Thế nhưng, đáp lại sự nhiệt tình này là thái độ không mấy hồ hởi cùng những câu trả lời cụt lủn. Điều này cho thấy sự bất hợp tác của cấp dưới với sếp, nói cách khác là họ không thích bạn và càng không muốn xây dựng mối quan hệ ngoài công việc với bạn. Một trợ lý giám đốc chia sẻ: “Ngoài những dự án, hợp đồng, tôi chẳng thích có sự tương tác nào với cấp trên. Mối quan hệ giữa tôi và sếp chỉ nên tồn tại chốn công sở, không nên là bạn bè sau giờ làm việc”.

4. Họ “bằng mặt không bằng lòng”

Khi nhận việc từ bạn, các nhân viên tỏ thái độ chăm chú tiếp thu. Tuy vậy, trong lòng họ không bằng lòng, thậm chí chống đối bạn. Hãy xem lại mình ngay vì điều này cho thấy bạn không được cấp dưới tôn trọng. Cũng có thể năng lực của bạn chưa đủ để họ thừa nhận với danh xưng “quản lý”. Công việc sẽ chẳng thể vận hành trơn tru nếu nhân viên luôn làm trái ý sếp.

lam sep tot khong kho1

Đừng buồn nếu bạn nhận thấy mình từng rơi vào 1 trong 4 tình huống nêu trên. Những gợi ý sau sẽ giúp bạn dần rút ngắn khoảng cách với nhân viên, tạo ra không khí thân mật thực sự chốn văn phòng

Đánh giá cao những người làm việc với mình

Hãy nhìn nhận đúng năng lực của từng nhân viên, đồng thời lên kế hoạch trau dồi nghiệp vụ cho họ. Cử họ tham gia các khóa học chuyên môn, thay phiên nhau đi công tác để mở mang kiến thức… Khi dự án thành công, đừng quên ghi nhận những đóng góp không nhỏ của họ. Nếu khách hàng hay các phòng ban khác có thái độ/hành động không phải với nhân viên mình, bạn cần lên tiếng bảo vệ họ. Những việc làm này tuy nhỏ nhưng sẽ khiến cấp dưới cảm thấy mình được sếp tôn trọng và đánh giá cao. Từ đó, họ cũng biết ơn và nể phục bạn, dù đôi lúc không nói ra.

Tạo ra những khoảnh khắc vui vẻ

Một nhà quản lý tốt luôn biết cách làm cho nhân viên cảm thấy văn phòng là ngôi nhà thứ hai của mình. Không khó để làm được điều này. Buổi trưa là khoảng thời gian kéo mọi người lại gần nhau. Sao bạn không đi ăn cùng nhân viên, nói những câu chuyện ngoài công việc, quan tâm đến họ bằng các câu hỏi về gia đình, con cái? Thỉnh thoảng, một buổi tụ tập cuối tuần (tại chính nhà bạn càng hay) sẽ giúp kết nối các thành viên. Từ đó, họ không chỉ xem bạn là người đầu tàu trong công việc mà còn là chị cả của những cuộc vui. Tạo cảm giác thoải mái, hào hứng cho nhân viên, bạn đã gián tiếp nâng cao hiệu suất làm việc của họ.

Điều chỉnh cách nói chuyện sao cho dễ nghe

Bên cạnh việc “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, bạn nên kết hợp với ngôn ngữ cơ thể trong lúc trao đổi cùng nhân viên. Đôi khi, một ánh mắt trìu mến, cái nắm tay nhẹ hay nụ cười ngầm ý khích lệ sẽ giúp họ thêm tự tin. Ngoài ra, hãy cho cấp dưới thấy mình là người biết lắng nghe, sẵn sàng đồng cảm và đứng về phía họ. Đừng bao giờ phủ nhận ngay những ý kiến họ đưa ra mà hãy nhẹ nhàng phân tích đúng sai, giúp họ nhận thấy bản thân đang thiếu sót những gì. Làm sếp không khó, cái khó là khiến cho nhân viên nể phục. Nếu bạn muốn đạt được điều này, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất!

Bài: Nga Nguyễn

Her World Việt Nam

Đừng bỏ qua