Con đường của một anh hùng châu Á

Lần đầu tiên chị Phạm Thị Huệ, Anh hùng Châu Á do tạp chí Time Hoa Kỳ bình chọn năm 2004 tự viết về quãng đời đã qua. Chị đã dũng cảm đối mặt với số phận không may để có được hôm nay. Bài viết độc quyền cho Her World.

Tôi đã từng có một gia đình hạnh phúc. Khi ấy, tôi là công nhân giày da, còn anh Thảo, chồng tôi, là một đầu bếp nổi tiếng ở Kiến An, Hải Phòng. Cuộc sống tươi đẹp của vợ chồng tôi lẽ ra cứ thế trôi đi trong hạnh phúc, trong sự yêu thương đùm bọc của gia đình hai bên nội ngoại.

Đầu năm 2001, sau bao ngày tháng mong chờ, tôi sinh ra một cậu con trai kháu khỉnh. Niềm vui lẽ ra rất lớn nhưng lại qua đi thật nhanh khi cô y tá cho tôi biết tôi đã bị nhiễm HIV dương tính. Rồi tôi bị cách ly hoàn toàn. Các bác sĩ cho hai mẹ con tôi sang một phòng riêng, không cho tôi mượn đồ dùng của bệnh viện như chăn, màn, quần áo của sản phụ…

Nhưng điều khiến tôi đau khổ hơn cả là thái độ của những người thân trong gia đình. Khi biết tin tôi bị nhiễm HIV, ai cũng thương hai mẹ con tôi nhưng không ai dám đến gần. Họ chỉ đứng ở bên ngoài, ngó vào trong phòng bằng ánh mắt cảm thông. Tôi phải tự làm vệ sinh cho vết mổ của mình và tự chăm sóc bản thân. Tám ngày sau, các bác sĩ vội vàng cho tôi xuất viện.

Lúc này, cả gia đình tôi phản đối việc vợ chồng tôi về nhà sống cùng. Mọi người bàn nhau thuê cho hai chúng tôi một căn phòng nhỏ tại khu tập thể bên Kiến An. Ngoài anh Thảo, không ai dám đến gần tôi để thăm hỏi về tình hình sức khỏe sau khi sinh. Vợ chồng tôi lủi thủi ra đi.

Nói thật là sau khi xuất viện, tôi không muốn tin vào kết quả dương tính mà bệnh viện đã thông báo. Mặc dù tôi biết anh Thảo đã từng sử dụng ma túy và cũng có kết quả dương tính với HIV. Cô đơn, tuyệt vọng, dằn vặt và đau khổ… đã không dưới hai lần vợ chồng tôi bàn nhau tìm cách tự tử. Nhưng rồi nhìn Hà Minh Hiếu, đứa con trai bé bỏng, tội nghiệp, chúng tôi lại không đành.

Cuộc sống của vợ chồng tôi giống như con thú trốn trong bóng tối, sợ những ánh mắt, cử chỉ xa lánh của những người xung quanh. Cuộc sống ấy cứ thế diễn ra đằng đẵng suốt một năm trời.

 

Nhen nhóm hy vọng khi được trở về cùng gia đình

Ngày tháng qua đi thật buồn nản. Tôi không có hy vọng gì khác ngoài việc mong cho con trai tôi lớn lên khỏe mạnh. Khi chúng tôi không còn có mặt trên cuộc đời này nữa, tôi chỉ mong sẽ có người cưu mang, nuôi dạy cháu. Tôi âm thầm, lặng lẽ chờ đợi những điều nghiệt ngã nhất đến với gia đình mình.

Thế rồi những cán bộ Hội phụ nữ phường Hạ Lý đến với gia đình tôi. Họ dang rộng vòng tay đón tôi trở về trong tình yêu thương của cộng đồng. Họ đã đến nhà bố mẹ chồng tôi để giải thích cặn kẽ về HIV. Họ nói rằng HIV/AIDS không thể lây nhiễm qua con đường giao tiếp thông thường, rằng sự tham gia của gia đình và cộng đồng sẽ giúp người có HIV/AIDS vượt qua rào cản của sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Hơn bao giờ hết, chính gia đình, người thân là chỗ dựa tinh thần và sức mạnh, giúp người có HIV hòa nhập cùng cộng đồng.

200809_anh-hung-chau-a-pham-thi-hue-QUOTETừ đó, những người thân trong gia đình tôi đã hiểu. Tình thương của họ đối với mẹ con tôi cũng ấm áp dần lên. Họ đã dành cho chúng tôi những nụ cười, ánh mắt thân thiện sau bao ngày thiếu vắng. Chứng kiến cảnh Hiếu bi bô gọi tên những người thân, tôi ôm mặt khóc. Đúng lúc ấy, bố mẹ chồng tôi xuất hiện như ông bụt trong chuyện cổ tích.

Gia đình tôi được trở về mái nhà thân yêu ngày trước. Chúng tôi lại được sống trong vòng tay yêu thương, đùm bọc của gia đình. Lúc này, cuộc sống và tinh thần của chúng tôi dần trở lại bình thường. Thế nhưng, những khó khăn vẫn chồng chất trước mắt. Đó chính là sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng đối với gia đình tôi.

Bản thân vợ chồng tôi bị kỳ thị đã đành, con trai tôi cũng bị kỳ thị và bây giờ đến cả bố mẹ chồng tôi bị mọi người xa lánh. Cửa hàng ăn sáng của mẹ chồng tôi trước đây đông khách là thế. Từ khi có vợ chồng tôi về sống chung thì chẳng có khách vào ăn. Mỗi buổi sáng dọn hàng ra cho mẹ, rồi buổi trưa lại dọn vào mà rổ bún vẫn còn đầy, tôi thấy xót xa trong lòng. Nhiều lúc, tôi tự hỏi không biết gia đình mình sẽ sống ra sao?

Sau đó, hai mẹ con tôi chuyển sang làm cắt may quần áo. Tuy nhiên, khách đến cắt cũng rất ít, chủ yếu là những cụ già. Vậy mà có cụ còn nói với mẹ chồng tôi: “Bà đừng để cho con dâu bà đụng vào quần áo của tôi”. Nghe vậy, tôi rất buồn và lại một lần nữa rơi vào tuyệt vọng.

 

Niềm tin về một cuộc sống mới

Thời gian thấm thoát trôi đi, gia đình tôi cứ động viên nhau để sống. Một hôm, chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hạ Lý, đến thăm và giới thiệu tôi đến sinh hoạt tại Câu lạc bộ Hải Âu. Đó là nơi dành cho những người sử dụng ma túy và những số phận có cảnh ngộ như tôi đến sinh hoạt.

Đến với câu lạc bộ, tôi được tư vấn và tìm hiểu thêm thông tin về HIV/AIDS qua tờ rơi và sách nhỏ… Vốn có kiến thức và hiểu HIV không phải là bệnh dễ lây truyền, tôi nghĩ mình cần phải làm điều gì đó cho cộng đồng. Tôi muốn giúp họ hiểu và không kỳ thị với những người có HIV. Với mục đích ấy, tôi rủ chồng cùng tham gia vào đội tuyên truyền của Câu lạc bộ Hải Âu.

Chị Phạm Thị Huệ chụp ảnh cùng hoàng hậu Jordan

Chị Phạm Thị Huệ chụp ảnh cùng hoàng hậu Jordan

Sau một thời gian tôi tham gia vào các hoạt động truyền thông, xuất hiện trên truyền hình, báo chí, có rất nhiều người cùng cảnh ngộ đã tìm đến nhà vợ chồng tôi. Hạnh phúc nhất là họ đã coi tôi như một người bạn để tâm sự những bức xúc, mặc cảm. Chẳng biết từ lúc nào, tôi đã trở thành một người tư vấn về HIV cho mọi người.

Một thời gian sau, có rất nhiều chị em rơi vào hoàn cảnh như tôi đã coi gia đình tôi như một địa chỉ tin cậy. Họ thường xuyên lui tới nhà tôi để cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Ngồi nghe các chị tâm sự, trong tôi hình thành ý tưởng thành lập một nhóm của những người có HIV, lấy tên là nhóm Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng.

Nhóm chúng tôi thường tổ chức các hoạt động tư vấn, chăm sóc tại nhà cho những người có HIV/AIDS khi họ đau ốm. Đồng thời, chúng tôi hỗ trợ vật chất cũng như tinh thần cho những trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tổ chức khâm liệm cho người có HIV khi họ qua đời.

Để nâng cao nhận thức của cộng đồng và giảm kỳ thị phân biệt đối xử, chúng tôi thường xuyên tổ chức những cuộc nói chuyện tại các khu dân phố cũng như trong trường học…

 

Bước ngoặt mới trong cuộc đời

Năm 2004 là năm đánh dấu một sự kiện nữa trong cuộc đời tôi. Tôi được tạp chí Time của Mỹ phong tặng danh hiệu Anh hùng châu Á trong phòng chống HIV/AIDS. Đối với tôi, đây là điều bất ngờ rất lớn. Bởi lẽ, tất cả những việc tôi đã và đang làm đều bắt nguồn từ những khó khăn của bản thân.

Tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng làm một điều gì đó để cộng đồng hiểu và thông cảm với những người có HIV cũng như con cái của họ. Tôi muốn mọi người hiểu rằng những người có HIV không phải là người xấu. Họ cũng giống như bao người bình thường khác, họ cần có một cuộc sống bình đẳng như tất cả mọi người.

Từ sâu thẳm trong tâm hồn, tôi thầm cảm ơn danh hiệu mà tạp chí Time dành cho mình, không phải vì nó là của tôi mà vì đó là món quà rất lớn cho tất cả những người có HIV như tôi ở Việt Nam. Nó là nguồn động viên, niềm hy vọng cho họ để xóa đi những kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng.

Chị Huệ tại lễ trao giải cuộc thi viết thư về việc giảm kỳ thị đối với người sống cùng HIV/AIDS

Chị Huệ tại lễ trao giải cuộc thi viết thư về việc giảm kỳ thị đối với người sống cùng HIV/AIDS

Từ khi tham gia vào các hoạt động tuyên truyền phòng chống AIDS, vợ chồng tôi khỏe hơn. Chúng tôi yêu công việc mà mình đang làm, tôi cảm thấy cuộc sống của mình thêm ý nghĩa. Rồi hạnh phúc lớn nhất đã đến với vợ chồng tôi. Sau ba năm sống trong sự chờ đợi nghiệt ngã, tôi quyết định đưa con trai đi xét nghiệm. Kết quả là cháu âm tính với HIV.

Thêm một niềm vui nữa đến với tôi khi tôi được các cấp Hội Phụ nữ, các cơ quan đoàn thể dành cho sự quan tâm, động viên sâu sắc. Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) ở Việt Nam cũng dành cho tôi và gia đình tôi sự động viên to lớn, hỗ trợ cho con tôi kinh phí để cháu đi học. Đặc biệt, tôi được nhận vào làm việc trong Chương trình tình nguyện của Liên Hiệp Quốc. Đối với tôi, đó chính là những liều thuốc vô giá. Nó đã giúp tôi có thêm nghị lực để chống đỡ với bệnh tật, có sức khỏe để cống hiến nhiều hơn nữa vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam.

Hiện nay, tôi đang làm việc cho chương trình tình nguyện và tham gia vào dự án mang tên Khuyến khích sự tham gia của những người nhiễm HIV/AIDS, viết tắt là GIPA. Đây là một dự án mang đầy ý nghĩa mà tôi mong chờ từ lâu.

Những người có HIV như tôi đã có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động tuyên truyền phòng chống căn bệnh này. Đồng thời, chúng tôi được coi trọng như những người bình thường khác. Không còn sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV trong dự án này.

Bởi lẽ, song hành với dự án là các cấp hội phụ nữ, các cô, các chị, những người đã dành cho các tình nguyện viên tình cảm và những lời động viên chân thành nhất.

 

Hài lòng với cuộc sống hiện tại

Bây giờ, tôi rất mãn nguyện với những gì mình đã làm và đang có. Nhiều khi, tôi quên mất mình là người có HIV.

Cả ngày hăng say với công việc cộng đồng, tối về cầm tay con trai, dạy con viết từng nét chữ đầu tiên, những tưởng tôi sẽ không bao giờ có được niềm hạnh phúc này.

Đến bây giờ, tôi mới thấm thía câu phương ngôn “Hạnh phúc luôn ở trong tầm tay”. Tôi thầm cảm ơn những người thân trong gia đình. Họ đã cho tôi niềm tin vào con người, vào cuộc sống và luôn tạo điều kiện để tôi có thể tham gia vào các hoạt động có ích.

Bên cạnh gia đình, tôi còn có những người bạn, các tổ chức, cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Họ đã động viên, giúp đỡ rất nhiều để tôi có được ngày hôm nay. Tôi sẽ cố gắng làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, giúp họ có được cuộc sống tinh thần như tôi.

 

Lời nhắn gửi đến mọi người

200809_anh-hung-chau-a-pham-thi-hue-BOX

Tôi viết bài này bằng tất cả những tình cảm chân thành nhất. Tôi mong rằng khi ai đó đọc được nó thì hãy chia sẻ và thông cảm với khó khăn mà những người có HIV như tôi đang gặp phải.

Bởi có thể họ chưa chết vì bệnh thì đã chết bởi sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Cộng đồng hãy cho những người không may mắc phải căn bệnh này một liều thuốc mà không mất tiền để mua. Đó chính là liều thuốc tinh thần.

Câu chuyện của tôi là một bằng chứng cụ thể về tình thương của mọi người dành cho người có HIV. Nếu năm xưa tôi không nhận được những lời động viên, sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình và của cộng đồng, thì chắc chắn sẽ không bao giờ có tôi, Phạm Thị Huệ của ngày hôm nay.

Đừng bỏ qua